11:08, 08/08/2014

Nghị lực sống

Cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam luôn gặp rất nhiều khó khăn. Đói nghèo, bệnh tật tưởng như sẽ nhấn chìm cuộc đời họ, nhưng trong những lúc tuyệt vọng nhất, ở họ bùng lên nghị lực sống mãnh liệt. Cùng với đó, sự giúp đỡ từ cộng đồng xã hội cũng tiếp thêm sức mạnh để họ vượt qua nỗi đau…

Cuộc sống của các nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) luôn gặp rất nhiều khó khăn. Đói nghèo, bệnh tật tưởng như sẽ nhấn chìm cuộc đời họ, nhưng trong những lúc tuyệt vọng nhất, ở họ bùng lên nghị lực sống mãnh liệt. Cùng với đó, sự giúp đỡ từ cộng đồng xã hội cũng tiếp thêm sức mạnh để họ vượt qua nỗi đau…

 

1
Bà Cao Thị Lan bên người con gái bị di chứng chất độc dioxin


 

Vượt qua nỗi đau


Trở về sau chiến tranh, ông Nguyễn Xuân Trong và bà Nguyễn Thị Hòa (tổ dân phố 18, phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) luôn tự hào bởi đã có một thời cống hiến tuổi trẻ và sức xuân cho cuộc trường chinh của dân tộc. Sau giải phóng, ông bà đã kết duyên để cùng xây dựng cuộc sống. Trong những năm tháng tưởng như hạnh phúc nhất cuộc đời, lại là lúc ông bà phải nếm trải sự cay đắng đến khôn cùng. Những người con sinh ra đều mang trong mình di chứng của chất độc dioxin. Người con trai là Nguyễn Xuân Khánh bị tật nguyền, động kinh điên loạn, đói không biết đòi ăn, đi vệ sinh tại chỗ; còn 2 người con gái trí nhớ kém, thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Cuộc sống của ông bà vốn đã nghèo khó lại càng nghèo khó hơn. Đã có lúc, ông bà không còn thiết sống, muốn buông xuôi tất cả. Nhưng ông bà đã lấy lại cân bằng, chấp nhận đương đầu với hiện tại.


 Ông Trong tâm sự: “2 vợ chồng tôi đều bị phơi nhiễm dioxin, các con sinh ra bị dị tật khiến cho kinh tế gia đình kiệt quệ. Nỗi đau thể xác và tinh thần cứ gặm nhấm tôi theo thời gian. Rồi tôi nghĩ, mình không thể ngồi đó mà than thở mãi. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của bạn bè, vợ chồng tôi đã quyết tâm vượt qua khó khăn từ 2 bàn tay trắng. Bằng sự cần cù, chịu khó, gia đình tôi đã phát triển kinh tế vườn đồi. Đất không phụ lòng người; từ chỗ nghèo khó, hiện nay, gia đình tôi đã khá giả, nhà cửa khang trang, con cái được chăm lo đầy đủ hơn...”.

 

1
Ông Nguyễn Xuân Trong chăm sóc người con trai duy nhất bị tật nguyền bởi di chứng chất độc da cam.


Gia đình ông Cao Tranh - một cựu chiến binh ở thị trấn Khánh Vĩnh cũng là một minh chứng cho sự vươn lên, vượt qua những đau khổ và khó khăn trong cuộc sống. 6 người con của ông đều bị ảnh hưởng của chất độc dioxin. Căn nhà nhỏ liên tục bị xé toang bởi những tiếng cười ngây dại. Tuy phải gánh chịu nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, nhưng vợ chồng ông vẫn vươn lên, tham gia lao động để có tiền trang trải cuộc sống. Sáng nào cũng vậy, ông bà đều dậy sớm để chăm chút đồi keo, rẫy bắp, luống đậu... Bên cạnh đó, ông bà còn chăn nuôi bò, heo, gà, vịt. Nhờ đó, mỗi năm, từ 3ha vườn đồi và chăn nuôi, gia đình ông thu nhập hơn 70 triệu đồng. Ông Tranh chia sẻ: “Thu nhập từ làm kinh tế cùng với khoản Nhà nước trợ cấp hàng tháng cũng đủ cho gia đình sinh hoạt hàng ngày; thuốc thang cho các con cũng được lo chu đáo hơn...”. Nghe ông Tranh tâm sự, chúng tôi mới biết, trước đây, gia đình ông đã có một thời sống trong căn nhà tranh ọp ẹp. Chúng tôi cảm phục sự cố gắng vươn lên của vợ chồng ông, bởi gia đình ông đã xóa tan được nỗi ám ảnh về một cuộc sống đầy nỗi đau và nước mắt mà chất độc hóa học dioxin gây ra.


Ấm áp những ngôi nhà tình nghĩa


Tuy chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau vẫn còn hiển hiện trong hàng nghìn gia đình nạn nhân CĐDC. Cái vòng luẩn quẩn đói nghèo cứ mãi bám theo các gia đình này, bởi con cái bị dị tật, sức khỏe suy giảm, đau bệnh liên miên... trong khi số tiền trợ cấp ít ỏi. Hình ảnh của những nạn nhân CĐDC luôn khiến những người đã từng gặp đều nhói lòng và không thể nào quên. Để chia sẻ những nỗi đau ấy, nhiều năm qua, những tấm lòng hảo tâm vẫn nỗ lực tiếp sức để mỗi nạn nhân CĐDC và gia đình họ vơi bớt khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Nghĩa cử cao đẹp ấy đã và đang được nhân rộng trong xã hội và trở thành điểm tựa cho những số phận éo le.


Giờ đây, mỗi khi mưa gió, gia đình ông Hồ Quyết Thắng và bà Cao Thị Lan (xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh) không còn nơm nớp nỗi lo căn nhà chực sập đổ; cũng qua rồi cái cảnh vợ chồng ông thay nhau thức mỗi đêm để che mưa khỏi tạt vào giường làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của mấy đứa con bệnh tật. Đến bây giờ, tuy đã sở hữu căn nhà kiên cố, khang trang nhưng có lúc, ông vẫn không tin đó là sự thật. Nhớ lại cảm xúc của 2 năm về trước, khi gia đình được chuyển vào ở trong căn nhà mới, ông Thắng bồi hồi: “Vợ chồng tôi sinh được 5 đứa con đều bị ảnh hưởng của CĐDC. Gánh nặng cơm áo gạo tiền lúc nào cũng đè nặng lên đôi vai của 2 vợ chồng. Tuy bận bịu suốt ngày, chăm bón 4ha keo, 3ha mía, rồi chăn nuôi... nhưng cái ăn của gia đình vẫn thiếu trước hụt sau, chẳng khi nào gia đình tôi dám nghĩ đến chuyện xây một căn nhà kiên cố, khang trang. Thấu hiểu được hoàn cảnh, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh đã trích 30 triệu đồng từ nguồn vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để hỗ trợ gia đình tôi xây dựng căn nhà cấp 4 khang trang”.


Đất nước độc lập, trở về cuộc sống đời thường, bà Hà Thị Thành (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh) xây dựng gia đình với một chàng trai cùng trong quân ngũ. Tưởng chừng hạnh phúc sẽ kéo dài đến hết cuộc đời, nhưng nghiệt ngã thay, 2 người con đầu bà sinh ra chưa đầy 1 tháng tuổi đã qua đời do CĐDC đã ngấm vào máu thịt bà trong những năm tháng hoạt động cách mạng. Chán nản, hoảng loạn, chồng bà Thanh đã bỏ nhà đi không một lời từ biệt khi bà tiếp tục mang thai. Năm 1979, bà sinh cô con gái út là Hà Thị Thu Hồng hoàn toàn khỏe mạnh. Đây chính là điểm tựa, động lực giúp bà vượt lên nỗi đau để sống. Cần mẫn một mình nuôi con, cuộc sống của 2 mẹ con bà bữa đói, bữa no, căn nhà tranh vách đất không có tiền để sửa sang. Năm 2012, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa hỗ trợ hơn 30 triệu đồng; bà con lối xóm góp gạch, gỗ xây cho mẹ con bà một căn nhà mới khang trang. Bà Thành bộc bạch: “Suốt đời, mẹ con tôi không bao giờ quên được cái ơn này. Tôi rất vui vì giấc mơ về ngôi nhà kiên cố đã thành hiện thực. Con gái tôi đã lập gia đình và cũng đã có cháu để bế bồng”. Ở trong căn nhà ấy, mẹ con bà không chỉ cảm nhận được sự ấm áp mỗi lúc mưa gió, mà còn cảm nhận được hơi ấm của tình người. Tuy vật chất không nhiều nhưng tấm lòng nhân ái của các tổ chức, cá nhân đã giúp cho những người kém may mắn như bà có thêm nghị lực để đối mặt với thực tại và vượt qua khó khăn.


Vẫn cần những tấm lòng

 

Các cựu chiến binh người Mỹ trong một lần  đến thăm, tặng quà gia đình bà Nguyễn Thị Thẩm.
Các cựu chiến binh người Mỹ trong một lần đến thăm, tặng quà gia đình bà Nguyễn Thị Thẩm.

 

Theo Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh, toàn tỉnh có hơn 9.000 người bị phơi nhiễm CĐDC. Trong đó, hơn 2.000 người trực tiếp tham gia kháng chiến, hơn 700 người là con đẻ của người trực tiếp tham gia kháng chiến, hơn 4.000 người là dân thường và hơn 2.000 người là con đẻ của dân thường bị phơi nhiễm. Hiện nay, hàng trăm người đã chết do các căn bệnh hiểm nghèo.

Từ năm 2010 đến nay, Hội đã vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm tham gia ủng hộ kinh phí xây dựng được 29 căn nhà tình nghĩa cho gia đình các nạn nhân CĐDC với tổng trị giá hơn 870 triệu đồng.

Nạn nhân CĐDC/dioxin đang luôn cần những tấm lòng, sự đồng cảm, sẻ chia của cộng đồng, xã hội chung tay xoa dịu nỗi đau. Gia đình bà Nguyễn Thị Thẩm (xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) là một minh chứng sống động. Khi còn ở tỉnh Phú Yên, vợ chồng bà sinh được 4 người con thì chỉ có 1 người khỏe mạnh, 1 người vừa lọt lòng đã chết, 2 người còn lại chỉ nằm một chỗ. Rồi chồng bà Thẩm bỏ nhà đi biệt tăm. Bà quyết định rời quê chồng (tỉnh Phú Yên) về quê ngoại ở TP. Nha Trang sinh sống. Bà vật lộn mưu sinh giữa đô thị để nuôi 3 đứa con. Thấy vậy, phía bên ngoại đã góp tiền mua cho mẹ con bà một căn nhà để có chỗ ở. Có nghề may, bà Thẩm nhận hàng về làm để sinh sống qua ngày và mua thuốc cho các con. Thời gian đi qua, mắt bà đã mờ nên đành gác lại nghề may. Bây giờ, 4 mẹ con bà chỉ trông chờ vào tiền hỗ trợ hàng tháng (hơn 2 triệu đồng) cho hai đứa con bị di chứng CĐDC...


Ông Trần Quang Tuyến - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh chia sẻ: “Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành một khoản kinh phí lớn để hỗ trợ cho các nạn nhân nhiễm CĐDC vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay, toàn tỉnh còn hơn 70% gia đình nạn nhân CĐDC thuộc diện hộ nghèo. Trong đó, hơn 100 gia đình có đời sống đặc biệt khó khăn, không có khả năng lao động và trang trải kinh phí điều trị bệnh, sinh hoạt hàng ngày. Do đó, những người này đang rất cần sự quan tâm của toàn xã hội nhằm góp sức xoa dịu nỗi đau, cùng nhau thắp lên những ngọn lửa yêu thương để họ được hòa nhập với cộng đồng...”.


VĂN GIANG