Theo tôi, quy định chủ thể của tội tham nhũng trong Bộ luật Hình sự hiện hành còn bất cập với thực tế. Đó là việc không xem xét trách nhiệm pháp lý đối với hành vi tham nhũng trong khu vực tư.
Theo tôi, quy định chủ thể của tội tham nhũng trong Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành còn bất cập với thực tế. Đó là việc không xem xét trách nhiệm pháp lý đối với hành vi tham nhũng trong khu vực tư.
Điều 277 BLHS hiện hành quy định chủ thể của tội phạm về tham nhũng phải là những người có chức vụ, quyền hạn trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ. Điều 1 Luật Phòng, chống tham những đã xác định cụ thể các đối tượng được coi là có chức vụ, quyền hạn. Theo đó, chủ thể của các tội phạm về tham nhũng phải là những người được giao thực hiện công vụ hoặc đại diện cho quyền lực công, quyền lực nhà nước. Đó là cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp nhà nước. Như vậy, những người có chức vụ, quyền hạn của nước ngoài, của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ quốc tế hoặc làm việc ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, hợp tác xã thì không phải là chủ thể của các tội phạm tham nhũng. Nhưng thực tế, ở Việt Nam đã xuất hiện trường hợp vì lợi ích của cơ quan, tổ chức hoặc địa phương mình mà cá nhân, người Việt Nam đã thực hiện hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế để giành những ưu thế nhất định nhưng Việt Nam không có cơ sở pháp lý để xử lý hình sự đối với các đối tượng này về hành vi nhận hối lộ cũng như hành vi đưa hối lộ.
Do vậy, để có thể xử lý một cách thích đáng, tương xứng với hành vi phạm tội, phù hợp với bối cảnh nền kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam hiện nay, nên cân nhắc mở rộng các tội tham nhũng trong khu vực tư đối với 4 tội danh: tham ô tài sản (Điều 278); nhận hối lộ (Điều 279); đưa hối lộ (Điều 289) và môi giới hối lộ (Điều 290).
PHẠM THỊ XUÂN TRANG (Phòng Tư pháp TP. Nha Trang)
N.V (ghi)