11:01, 19/01/2018

Thông tin về tài sản bị chìm đắm

Khi gặp rủi ro tai nạn mà tài sản bị chìm đắm thì cần thông báo đến cơ quan nào để được tiếp nhận, hỗ trợ?

Hỏi: Khi gặp rủi ro tai nạn mà tài sản bị chìm đắm thì cần thông báo đến cơ quan nào để được tiếp nhận, hỗ trợ?


Hoàng Ngọc Đức (phường Vĩnh Thọ, TP. Nha Trang)


Trả lời: Việc xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam được Chính phủ quy định tại Nghị định 05/2017/NĐ-CP. Theo nghị định này, tài sản chìm đắm bao gồm: tàu thuyền, hàng hóa hoặc các vật thể khác chìm đắm hoặc trôi nổi trên các tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển, vùng biển Việt Nam hoặc bị trôi dạt vào bờ biển Việt Nam.


Chủ sở hữu tài sản chìm đắm hoặc tổ chức, cá nhân khi phát hiện tài sản chìm đắm có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền biết về địa điểm và loại tài sản chìm đắm; trường hợp tài sản chìm đắm là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu còn phải thông báo cho cơ quan hải quan nơi gần nhất để phối hợp giải quyết theo quy định của pháp luật về hải quan. Việc cung cấp thông tin có thể thực hiện bằng một hoặc nhiều phương thức: trực tiếp, điện thoại, fax, email hoặc bằng các hình thức phù hợp khác.


Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông tin về tài sản chìm đắm, gồm:


a) Cảng vụ hàng hải tại khu vực đối với tài sản chìm đắm trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam;


b) Cảng vụ đường thủy nội địa hoặc đơn vị quản lý đường thủy nội địa tại khu vực trực thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đường thủy nội địa đối với tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia;


c) Cảng vụ đường thủy nội địa hoặc đơn vị quản lý đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải đối với tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa địa phương;


d) Cơ quan quân sự tại địa phương đối với tài sản chìm đắm thuộc lĩnh vực quốc phòng;


đ) Cơ quan công an tại địa phương đối với tài sản chìm đắm thuộc lĩnh vực an ninh.


Luật sư Nguyễn Thiện Hùng