Tối Trung thu. Trời chợt đổ mưa to. Những tiếng gõ cửa chợt vang lên tại một căn nhà nhỏ ở phường P. Tiếng gõ khá mạnh, giống tiếng đập cửa nhiều hơn. Bạn nhỏ ở trong nhà, đang buồn vì không được đi chơi, phụng phịu ra mở cửa.
Tối Trung thu. Trời chợt đổ mưa to. Những tiếng gõ cửa chợt vang lên tại một căn nhà nhỏ ở phường P. Tiếng gõ khá mạnh, giống tiếng đập cửa nhiều hơn. Bạn nhỏ ở trong nhà, đang buồn vì không được đi chơi, phụng phịu ra mở cửa. Trong số mấy người đứng trước cửa, em bé chừng 3 tuổi giúi ngay vào tay bạn nhỏ bịch bánh kẹo. Bác đi cùng vác bịch bánh kẹo to đùng, cười vui, nhắc nhở: “Đừng đập cửa, con hãy gõ nhẹ nhàng; khi tặng quà nhớ nói: tặng chị, tặng anh quà Trung thu!”, rồi bác quay sang bạn nhỏ giải thích thêm: “Quà Trung thu của tổ dân phố tặng cháu”. Nhóm người đi xa dần, bạn nhỏ mới chợt thẹn thùng nhận ra chưa kịp nói lời cảm ơn. Em ngóng theo, vẳng lại cuộc nói chuyện: “Trời mưa to rồi, đi nữa không ông?”, “Đi chứ con, mình có dù mà; hết tối nay là qua Trung thu rồi. Sang nhà tiếp theo, con nhớ gõ cửa và nói rõ ràng khi tặng quà nhé”.
Vẫn biết, quà Trung thu cho các cháu được tổ dân phố trích từ đóng góp của bà con lối xóm. Món quà sơ sài thôi, nhưng khiến người nhận ấm lòng vô cùng. Dân mình còn nhiều người nghèo, nên năm nay tổ dân phố không thuê đội múa lân, tổ chức rình rang. Chắc cũng chẳng ai bắt bẻ nếu mấy bác tổ dân phố gọi loa thông báo các nhà tới tổ nhận quà Trung thu. Nhưng bác tổ trưởng lại cất công cùng các cháu vác bịch quà to đùng, đi bộ từ nhà này qua nhà khác trao quà. Đáng nói, bác dành phần trao quà cho cậu cháu bé xíu. Dạy cháu cách gõ cửa, trao quà, chính là bác đang dạy cháu cách chia sẻ niềm vui, học làm người nhân ái. Sau tiếng gõ cửa, mỗi cánh cửa mở ra, lại thêm những nụ cười, của người nhận, của cả cậu bé trao quà. Phải chăng đó là cách chạm tới trái tim mọi người?
Chợt nhớ tới câu chuyện tâm tình của một thầy giáo Nha Trang khi đi vận động chủ vườn bí ngô khổng lồ ở Đà Lạt đồng ý cho học sinh trường thầy tham quan, thực hiện hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Người chủ vườn nhất quyết không đồng ý vì đang cải tạo vườn. Năn nỉ cả sáng không được, thầy giáo đành ra về. Đến chiều, bất chấp bị chủ vườn ngầy nguậy đuổi, thầy vẫn quay lại, tiếp tục năn nỉ cho học sinh cơ hội học tập thực tế. Sau cùng, không những đồng ý, người chủ vườn còn gia hạn cho tốp thợ phải hoàn thành xong trước ngày học sinh Nha Trang lên học tập tại vườn. Ông chủ còn trở thành người hướng dẫn nhiệt tình cho các em về cách làm đất, trồng cây... Kể xong, thầy giáo thêm, thực ra, các thầy cô có thể chỉ cần dạy tốt, dạy đủ số tiết của mình cũng được. Nhưng nếu muốn cho học sinh cơ hội trải nghiệm hữu ích, cho ấn tượng sâu đậm về cuộc sống, thầy cô phải không ngại năn nỉ, nếu cần. Khi mình mở lòng với mọi người, không ai nỡ từ chối con trẻ cơ hội học tập.
Nhiều người nói, khó thuyết phục các cơ sở sản xuất cho học sinh đến trải nghiệm, bởi người chủ e ngại học sinh hiếu động, hoặc lo lắng nội quy an toàn vệ sinh thực phẩm bị phá vỡ… Nhưng có lẽ, vẫn là do họ chưa biết cách “gõ cửa trái tim”, như thầy giáo nọ đã làm được. Và để “gõ cửa trái tim”, có lẽ nên khởi đầu bằng cách dạy trẻ từ cách gõ cửa, cách cho đi… để nhận lại nụ cười, như ông tổ trưởng dân phố nọ dạy cháu mình.
TAM THUẬT