10:10, 30/10/2022

Xã Bình Lộc: Chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp

Thời gian qua, các nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã Bình Lộc (huyện Diên Khánh) ngày càng phát triển, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Thời gian qua, các nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã Bình Lộc (huyện Diên Khánh) ngày càng phát triển, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.


Thời điểm này, cơ sở sản xuất nhang sạch Tịnh Quang (thôn Đảnh Thạnh) đang hoạt động hết công suất để chuẩn bị sản phẩm phục vụ cho thị trường Tết. Ông Nguyễn Văn Phi, chủ cơ sở cho biết, cơ sở có 8 lao động, mỗi ngày làm được khoảng 200kg nhang. Sản phẩm của cơ sở Tịnh Quang khá đa dạng (kích thước cây nhang từ 30 đến 60cm), tập trung vào 2 nguyên liệu chính là quế và trầm. Ngoài số lao động làm việc trực tiếp tại đây, ông Phi còn cho các hộ dân trong xã nhận nhang thành phẩm về đóng gói tại nhà, công đóng gói khoảng 1.500 đồng/bó. Hiện nay, do nhu cầu sử dụng nhang sạch cao nên thị trường tiêu thụ của cơ sở khá tốt và ổn định; doanh thu mỗi tháng đạt hơn 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 50 triệu đồng. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất, chủ cơ sở đã đầu tư 4 máy làm nhang tự động, máy sấy… với tổng chi phí gần 350 triệu đồng.

 

Cơ sở đúc tượng mỹ nghệ của ông Nguyễn Đình Trọng.

Cơ sở đúc tượng mỹ nghệ của ông Nguyễn Đình Trọng.


Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 2 năm gần đây, cơ sở đúc tượng mỹ nghệ bằng đá của ông Nguyễn Đình Trọng (thôn Đảnh Thạnh) gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. “Trước đây, sản phẩm mỹ nghệ bằng đá của cơ sở chủ yếu phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách Nga. Từ khi dịch xảy ra, khách du lịch giảm nên tôi phải tìm hiểu các thị trường khác, thay đổi mẫu mã sản phẩm để duy trì hoạt động”, ông Trọng nói. Hiện nay, mỗi ngày, cơ sở có 6 lao động làm việc với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu mỗi tháng đạt 300 triệu đồng.


Thời gian qua, bên cạnh lợi thế về trồng trọt, chăn nuôi, lãnh đạo xã luôn tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp để giải quyết nguồn lao động nhàn rỗi, tạo thu nhập ổn định, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Theo báo cáo của UBND xã, trên địa bàn xã có 133 hộ kinh doanh, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Trong đó có: 7 cơ sở xay xát; 8 cơ sở hàn, tiện; 4 cơ sở mộc, 1 cơ sở đúc tượng mỹ nghệ, 1 làm nhang… Các cơ sở này được đầu tư mở rộng, cải tiến máy móc thiết bị, thu hút hàng trăm lao động địa phương tham gia.


Ông Đinh Minh Trang - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, xã đạt nông thôn mới vào năm 2020 và hiện đang phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao. Do đó, địa phương luôn đặt nhiệm vụ duy trì và nâng cao các tiêu chí xã nông thôn mới, đặc biệt là về thu nhập của người dân. Tuy nhiên, nghề trồng lúa thời gian qua gặp nhiều khó khăn do giá vật tư, phân bón tăng cao, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Hội Nông dân xã đã khuyến khích hội viên phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp để nâng cao thu nhập. Sắp tới, hội sẽ hướng dẫn thực hiện đăng ký sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cho cơ sở đúc tượng mỹ nghệ của ông Nguyễn Đình Trọng để có cơ hội quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời nhận được các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước. Ngoài ra, hội cũng hỗ trợ vốn vay cho hội viên thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư mua nguyên liệu, phát triển sản xuất; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề cho lao động nông thôn để nâng cao tiêu chí thu nhập và tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.


MAI HOÀNG