Hiện nay, trong số diện tích quy hoạch rừng sản xuất của Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa có hàng nghìn héc ta đất trống, hiệu quả sử dụng đất thấp, khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ. Đơn vị đã lập phương án nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả đối với diện tích đất rừng sản xuất này để trình UBND tỉnh xem xét.
Hiện nay, trong số diện tích quy hoạch rừng sản xuất của Ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa có hàng nghìn héc ta đất trống, hiệu quả sử dụng đất thấp, khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ. Đơn vị đã lập phương án nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả đối với diện tích đất rừng sản xuất này để trình UBND tỉnh xem xét.
Nhiều diện tích đất trống
BQL rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa được giao quản lý, bảo vệ, phát triển 53.476ha rừng, đất rừng trên địa bàn thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh. Trong đó, có hơn 7.317ha được quy hoạch chức năng trồng rừng sản xuất, gồm 1.336ha có rừng và 5.981ha đất trống. Tuy nhiên, theo BQL rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, trong 5.981ha đất trống chỉ có 3.403ha thuận lợi trong việc tổ chức trồng rừng sản xuất, còn lại khó triển khai. Những diện tích đất trống nhiều năm không được trồng rừng do chủ rừng thiếu kinh phí; tình trạng người dân lấn chiếm lấy đất sản xuất khiến việc quản lý đất rừng của chủ rừng gặp nhiều khó khăn.
Ông Đặng Quang Thành - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cho biết, giai đoạn 2011-2019, để được tổ chức trồng rừng sản xuất, đơn vị đã lên phương án liên doanh góp vốn. Tỉnh đã cho phép đơn vị chủ rừng chỉ sử dụng đất để trồng rừng sản xuất, phân chia lợi nhuận giữa đơn vị chủ rừng với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia liên kết trồng rừng sản xuất trên những diện tích đất trống quy hoạch phát triển rừng sản xuất. Năm 2020, để tiếp tục triển khai việc liên doanh, góp vốn trồng rừng sản xuất, đơn vị đã xây dựng phương án nhưng không được xem xét. Các cơ quan quản lý nhà nước xác định, diện tích đất trồng rừng sản xuất của đơn vị được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất nên đơn vị không thể làm chủ thể để thực hiện liên doanh, liên kết, không phù hợp với quy định hiện hành. Do đó, trong lâm phận vẫn còn nhiều diện tích đất trống chưa thể tiến hành trồng rừng.
Đề xuất phương án sử dụng
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng diện tích quy hoạch trồng rừng sản xuất, tại hội nghị sơ kết công tác quản lý bảo vệ rừng được tổ chức cuối tháng 8, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các đơn vị chủ rừng, trong đó có BQL rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa lập phương án quản lý, sử dụng hiệu quả đối với diện tích quy hoạch đất rừng sản xuất được Nhà nước giao quản lý. Trường hợp không có phương án xử lý phù hợp theo quy định, các đơn vị chủ rừng nghiên cứu, đề xuất trả lại đất để giao cho các địa phương quản lý.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo này, BQL rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa đã xây dựng phương án quản lý, sử dụng hiệu quả đối với diện tích quy hoạch đất rừng sản xuất trong lâm phần của đơn vị theo Nghị định 168 năm 2016 của Chính phủ. Theo đó, đơn vị đề xuất giao khoán khoảng 5.000ha đất quy hoạch chức năng là rừng sản xuất, 1.500ha đất người dân đã canh tác lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân (ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo) đang cư trú tại các địa phương trong lâm phần tiến hành trồng rừng; thời gian thực hiện trong giai đoạn 2023-2029 theo phương án quản lý rừng bền vững của đơn vị đã được UBND tỉnh phê duyệt. Ngoài ra, đơn vị đề nghị bóc tách, trả về cho các địa phương, đơn vị quản lý đối với những diện tích đất đã được quy hoạch là đất ngoài lâm nghiệp, đất quy hoạch khai thác phục vụ san lấp, đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế, phục vụ cho mục đích công cộng, quốc phòng nằm trong lâm phần; diện tích đất đã được giao khoán theo các chương trình trồng rừng 743 và 327 có nguồn gốc là đất nương rẫy của dân đã sử dụng ổn định.
Theo ông Đặng Quang Thành, phương án này sẽ giải quyết được những vấn đề khó khăn trong quản lý, sử dụng đất sản xuất của đơn vị, nhất là huy động được các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư trồng rừng sản xuất. Những diện tích đề xuất bóc tách, giao lại cho địa phương sẽ quản lý, sử dụng hiệu quả hơn bởi phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Hiện nay đơn vị đã báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phương án này để tổng hợp cùng với các đơn vị chủ rừng khác trong tỉnh để UBND tỉnh xem xét.
HẢI LĂNG