09:03, 13/03/2022

Kích cầu từ việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng

Sau hơn 1 tháng triển khai giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị định số 15/2022 của Chính phủ, các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng kinh doanh có xuất hóa đơn đều đã áp dụng giảm 2% thuế VAT cho người tiêu dùng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ nằm trong danh mục. Tuy nhiên, quá trình thực thi, một số đơn vị vẫn còn lúng túng trong việc xác định các mặt hàng được giảm và không được giảm. 
 

Sau hơn 1 tháng triển khai giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị định số 15/2022 của Chính phủ, các doanh nghiệp (DN), siêu thị, cửa hàng kinh doanh có xuất hóa đơn đều đã áp dụng giảm 2% thuế VAT cho người tiêu dùng đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ nằm trong danh mục. Tuy nhiên, quá trình thực thi, một số đơn vị vẫn còn lúng túng trong việc xác định các mặt hàng được giảm và không được giảm. 
 
Người tiêu dùng hưởng lợi
 
Theo bà Nguyễn Mỹ Anh - Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang, gần đây, bà đi mua các mặt hàng tiêu dùng cần thiết tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, khi nhận hóa đơn tính tiền, bà thấy ghi rõ những mặt hàng chịu mức thuế VAT 10%, 5% và 8%. Các nhân viên giải thích những mặt hàng thuộc danh mục được điều chỉnh giảm thuế VAT 2% cho người tiêu dùng từ 10% xuống 8% như: Thực phẩm khô, sữa, bánh kẹo, hàng gia dụng, thời trang… “Dù chỉ giảm 2% nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19, kinh tế khó khăn, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy” - bà Mỹ Anh nói. 

 

Người dân mua hàng tại Siêu thị Co.opmart Nha Trang.
Người dân mua hàng tại Siêu thị Co.opmart Nha Trang.
 
Ông Minh Tuấn - đường Lê Hồng Phong, Nha Trang vừa mua sắm ở Siêu thị Co.opmart Nha Trang với tổng hóa đơn 541.500 đồng, trong đó có 482.963 đồng chịu thuế VAT 8%. Ông nhẩm tính, được giảm hơn 10.000 đồng trên tổng số tiền mua hàng thuộc danh mục giảm thuế. Một lần mua thấy số tiền giảm không đáng là bao nhưng nếu tính chi phí cho gia đình 7 người, số tiền được giảm cũng lên đến 300.000 đồng/tháng. Tuy số tiền không lớn nhưng đây cũng là sự chia sẻ rất ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn như hiện nay. 
 
Ông Võ Đình Dũng - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Nha Trang cho biết, ngay khi Nghị định 15 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, cùng với hệ thống siêu thị Saigon Co.op, Co.opmart Nha Trang đã tiến hành giảm trực tiếp 2% thuế VAT trên những mặt hàng thuộc danh mục theo quy định. Đây thực sự là một chính sách rất kịp thời không chỉ hỗ trợ cho DN mà còn hỗ trợ người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các mặt hàng xăng dầu liên tục tăng giá, chi phí vận chuyển, nguyên vật liệu tăng cao, các nhà sản xuất buộc phải điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng, việc giảm thuế VAT 2% chưa “đủ liều” kích cầu người tiêu dùng. Thực tế, sau hơn 1 tháng triển khai thực hiện, lượng khách hàng tới siêu thị mua sắm vẫn còn hạn chế, nhiều người tiêu dùng chưa thật sự quan tâm đến việc được hưởng chính sách giảm 2% thuế VAT. Thiết nghĩ, về lâu dài, Chính phủ cần nghiên cứu nâng mức giảm thuế VAT hơn nữa để tạo điều kiện cho các hoạt động kinh doanh hồi phục, người tiêu dùng cũng thấy rõ được lợi ích của chính sách.
 
Vẫn còn lúng túng khi áp dụng
 
Theo ông Lương Xuân Thu - Trưởng phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế (NNT) Cục Thuế tỉnh, ngay khi Nghị định số 15 của Chính phủ được ban hành, Cục Thuế đã có văn bản gửi các chi cục thuế tuyên truyền, phổ biến cho NNT trên địa bàn để kịp thời thực hiện Nghị định quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội nhằm tháo gỡ khó khăn cho NNT trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, Cục Thuế gửi thư điện tử cho tất cả các DN do Cục Thuế quản lý và đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang website của đơn vị. Từ ngày 1-2 đến 10-3, riêng cơ quan Cục Thuế đã trả lời hơn 600 câu hỏi qua điện thoại, 27 văn bản liên quan đến việc xác định giảm thuế VAT. 
 
Ngoài ra, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thuế, ngày 25-2, Cục Thuế đã tổ chức buổi tập huấn đối thoại NNT để giải đáp những vướng mắc liên quan đến quyết toán thuế năm 2021 và các quy định về miễn giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp. Tại buổi đối thoại, Cục Thuế đã trả lời 57 câu hỏi, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến giảm thuế VAT theo Nghị định 15. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực thi vẫn còn nhiều DN chưa nắm rõ danh mục hàng hóa, dịch vụ nào được giảm và không được giảm thuế, nhất là DN kinh doanh nhiều ngành nghề hoặc có trường hợp cùng ngành nghề nhưng lại thuộc đối tượng khác nhau dẫn đến việc giảm thuế cũng khác nhau. Số khác gặp khó khăn, vướng mắc trong việc tra cứu mã ngành kinh doanh và mã HS code khi nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu… 
 
Với những hạn chế trên, Cục Thuế chỉ đạo các chi cục thuế tiếp tục bám sát địa bàn, NNT để kịp thời có hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách giảm thuế. Đối với phản ánh của DN không biết mặt hàng nào được giảm, mặt hàng nào không, thực tế các DN chưa nghiên cứu kỹ quy định, không tự xác định mà chỉ muốn cơ quan thuế khẳng định để có cơ sở chắc chắn. Thực chất, tại Nghị định 15 đã quy định loại trừ 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế VAT, quy định chi tiết tại các phụ lục I, II, III ban hành kèm theo nghị định. 
 
“Bằng chính sách này, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và hầu hết hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế được giảm 2% thuế VAT. Như vậy, người tiêu dùng có thể mua được hàng với giá rẻ hơn, hỗ trợ nâng cao đời sống và qua đó kích thích tiêu dùng, sản xuất phát triển. Bên cạnh đó, khi DN nhập hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào được giảm thuế cũng sẽ giúp giảm chi phí sản xuất…” - ông Thu nói.
 
C. VÂN