Chả cá Thuận (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) là thương hiệu được nhiều người biết đến, tin dùng; đang được xem xét định hướng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh.
Chả cá Thuận (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) là thương hiệu được nhiều người biết đến, tin dùng; đang được xem xét định hướng sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cấp tỉnh.
Chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm
Trên diện tích đất 1.000m2 tại xã Vạn Phú, cơ sở chả cá Thuận được đầu tư bài bản, khang trang. Hầu như toàn bộ quy trình đều được thực hiện bằng máy móc, đặt trên kệ cao, cách biệt với nền nhà được lát gạch men sạch sẽ, tinh tươm.
Theo bà Phạm Thị Thuận, chủ cơ sở, nghề làm chả cá được gia đình gây dựng cách đây rất lâu. Khoảng 25 năm trước, gần như mọi công đoạn đều phải làm thủ công. Theo thời gian, hệ thống phi-lê tách thịt cá, công đoạn tốn nhiều thời gian nhất đã được máy móc đảm nhận. Những tiếng chày quết chả dần dần được thay thế bằng máy móc hiện đại, công suất cao, không chỉ giải phóng tối đa sức lao động mà còn đáp ứng các đòi hỏi về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cơ sở hạ tầng được xây dựng, mở rộng, hệ thống băng chuyền, chiên, hấp sản phẩm, đóng gói... đều được thực hiện bằng máy. Sản lượng chả cá cũng tăng lên từ đó, thị trường được mở rộng, vươn đến các địa phương trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.
Chả cá Thuận với thành phần cơ bản gồm 35% cá mối, 35% cá đổng, gần 30% cá đỏ, thêm các gia vị và công thức chế biến gia truyền mang lại sản phẩm chả chiên và chả hấp đậm đà hương vị quê hương, được người tiêu dùng yêu thích, sử dụng. “Điều đặc biệt chúng tôi quan tâm là phải đảm bảo tiêu chí sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ quá trình sản xuất. Tất cả nguyên liệu đều là hải sản tươi, sản phẩm không dùng chất bảo quản, hương liệu, phẩm màu hoặc chất phụ gia độc hại”, bà Thuận nói.
Nhờ được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng, sản lượng chả cá tăng hàng năm. Riêng năm 2019, chả cá Thuận đã tiêu thụ được hơn 220 tấn, doanh thu 7 tỷ đồng.
Định hướng sản phẩm OCOP cấp tỉnh
Mới đây, Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh giai đoạn 2019 - 2020 đã kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất chả cá Thuận. Theo nhận xét của hội đồng, cơ sở được đầu tư bài bản, toàn bộ quy trình sơ chế - tách thịt - tẩm gia vị - cân - tạo hình - xử lý nhiệt - đóng gói - thành phẩm đều được thực hiện trên dây chuyền 1 chiều. Các số liệu về doanh thu, giải quyết việc làm cho lao động (khoảng 50 người), quy mô thương hiệu… đều đạt tiêu chí sản phẩm đặc trưng, đại diện cho một địa phương. Nguồn nguyên liệu được mua từ các vựa cá lớn trong tỉnh, như: vựa cá Chinh Linh (Cam Lợi, TP. Cam Ranh), vựa Tèo Công (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang), cảng cá Vạn Giã (Vạn Ninh)... Các hóa đơn chứng từ về hợp đồng mua bán gia vị thực phẩm đều được ký kết với các đơn vị cung ứng có nguồn gốc rõ ràng. Cơ sở cũng đã xây dựng được 4 đại lý trong tỉnh tại Nha Trang, Ninh Hòa và Vạn Ninh; đồng thời liên kết với một số cơ sở tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh. Các báo cáo đánh giá tác động môi trường, hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, nước thải đều được thực hiện đầy đủ, đúng quy định.
Được biết, năm 2014, sản phẩm chả cá Thuận đã đoạt Cúp vàng thương hiệu Việt; huy chương vàng “Vietnam Trust Food 2014” về thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng; giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu quốc gia năm 2019 do Bộ Công Thương cấp.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, với quy trình sản xuất khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng cao, hương vị thơm ngon, sản phẩm chả cá Thuận từ lâu đã được người tiêu dùng biết đến và tin dùng. Hiện nay, Hội đồng OCOP cấp huyện đã thực hiện xong các quy trình, đề nghị Hội đồng OCOP cấp tỉnh xem xét, chứng nhận để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo, trong đó có việc hỗ trợ cơ sở về thị trường, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại… nhằm nâng tầm sản phẩm lên thành sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương.
Hồng Đăng