12:05, 15/05/2020

Hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp

Những năm qua, huyện Vạn Ninh đã tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn, qua đó mang lại hiệu quả bước đầu. Để tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa, các ngành chức năng cần tháo gỡ một số khó khăn đang tồn tại.

Những năm qua, huyện Vạn Ninh đã tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn, qua đó mang lại hiệu quả bước đầu. Để tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa, các ngành chức năng cần tháo gỡ một số khó khăn đang tồn tại.


Hiệu quả bước đầu


Năm 2015, gia đình ông Lê Văn Tình (thôn Xuân Cam, xã Xuân Sơn) bắt đầu chuyển đổi diện tích đất trồng mía sang trồng thí điểm 350 cây dừa xiêm. Sau vài năm, vườn dừa phát triển tốt và mang lại hiệu quả tích cực. Năm 2018, được địa phương hỗ trợ 30 triệu đồng, ông Tình mạnh dạn mua thêm dừa giống và phân bón để trồng, chăm sóc dừa trên toàn bộ diện tích hơn 2ha vườn của gia đình. Đến nay, vườn dừa của gia đình ông có khoảng 700 cây, trong đó hơn 200 cây đang cho trái, trung bình mỗi tháng thu nhập khoảng 15 triệu đồng. “Từ khi chuyển đổi sang trồng dừa, gia đình tôi giảm công sức chăm bón. Cây dừa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước nên phát triển mạnh. Bên cạnh đó, nhờ có sự hỗ trợ từ chính sách phát triển nông nghiệp, phần nào giúp gia đình có điều kiện đầu tư chăm bón”, ông Tình chia sẻ.

 

Đoàn kiểm tra thực tế mô hình chuyển đổi cây trồng của hộ ông Lê Văn Tình (xã Xuân Sơn).

Đoàn kiểm tra thực tế mô hình chuyển đổi cây trồng của hộ ông Lê Văn Tình (xã Xuân Sơn).


Theo ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, những năm qua, công tác hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn được triển khai trên địa bàn huyện chủ yếu là thực hiện chuyển đổi cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thực hành sản xuất và hỗ trợ ngành nghề nông thôn. Để thực hiện có hiệu quả chính sách trên, huyện Vạn Ninh đã tập trung triển khai công tác tuyên truyền, vận động; chủ động xây dựng mô hình mẫu về chuyển đổi cây trồng để người dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm, rồi nhân rộng sản xuất. Từ năm 2017 đến nay, huyện đã thực hiện hỗ trợ chuyển đổi cây trồng với tổng diện tích hơn 242ha, có 840 hộ tham gia với tổng kinh phí thực hiện gần 8 tỷ đồng. Trong đó, diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa 136,9ha và diện tích chuyển đổi từ đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả là 105,2ha. Công tác chuyển đổi cây trồng đã đạt được hiệu quả bước đầu, giúp giảm tỷ lệ đất bị bỏ hoang do thiếu nước sản xuất, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung.


Ngoài hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, huyện Vạn Ninh còn thực hiện chi hơn 165 triệu đồng hỗ trợ Hợp tác xã sản xuất tỏi Vạn Hưng xây dựng nhà sơ chế tỏi và lấy mẫu, phân tích mẫu sản phẩm tỏi hàng năm để duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, hỗ trợ lãi suất cho một số hộ vay vốn để đầu tư trang thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất sản phẩm ngành nghề nông thôn. Qua đó, kịp thời giải quyết khó khăn của các cơ sở trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.


Vẫn còn khó khăn

 

Dù đạt được những kết quả khả quan nhưng công tác hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn trên địa bàn huyện Vạn Ninh vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Ông Trần Thanh Tòng - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết, hiện nay, diện tích sản xuất muối lót bạt trên địa bàn xã khoảng 125ha. Qua rà soát, dù nhu cầu vốn sản xuất nhiều nhưng hiện nay chưa có hộ diêm dân nào trên địa bàn xã vay vốn để làm diêm nghiệp. Nguyên nhân là do mức vay dành cho diêm nghiệp chỉ có 50 triệu đồng/ha, trong khi chi phí để đầu tư làm muối lót bạt khoảng 200 triệu đồng/ha, nên diêm dân chưa mặn mà. Do vậy, địa phương kiến nghị cần nâng mức cho vay đối với hộ vay vốn để làm diêm nghiệp và đơn giản hóa thủ tục vay vốn.

 

Bên cạnh đó, huyện Vạn Ninh cũng kiến nghị nên thực hiện đăng ký chuyển đổi theo từng nhóm cây trồng thay vì đăng ký chuyển đổi theo từng loại cây trồng cụ thể để nông dân có thêm nhiều sự lựa chọn giống cây trồng trong quá trình chuyển đổi. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nông nghiệp cũng như đơn giản thủ tục thanh quyết toán. Ngoài ra, diễn biến thời tiết bất thường cũng làm ảnh hưởng đến công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn. Thị trường tiêu thụ chưa ổn định, đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh nên người dân chưa dám mạnh dạn đầu tư sản xuất quy mô lớn và đưa các loại cây trồng mới vào sản xuất.

 

Ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá, qua kiểm tra, huyện Vạn Ninh đã thực hiện tốt công tác hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông thôn. Địa phương đã đưa ra những kiến nghị sát với tình hình thực tế hiện nay. Sở sẽ tiếp thu để bổ sung cho chương trình trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, trong thời gian tới, huyện Vạn Ninh cần tiếp tục tập trung triển khai công tác chuyển đổi cây trồng hướng đến đẩy mạnh trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế nhằm nâng cao giá trị sản phẩm từ nông nghiệp.

 

Năm 2020, huyện Vạn Ninh thực hiện chuyển đổi cây trồng với diện tích 162,48ha (với 423 hộ đăng ký tham gia), trong đó diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa 93,96ha, diện tích chuyển đổi từ đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả 67,71ha. Tổng kinh phí thực hiện gần 6 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 2,9 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của người dân.


Thanh Hải