11:02, 26/02/2020

Khánh Sơn: Kết quả khả quan từ mô hình trồng dâu tây

Hiện nay, người dân thôn Hòn Gầm (xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) đã thực hiện thành công mô hình trồng dâu tây trong nhà màng, hứa hẹn mở ra cho người dân hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

 

Hiện nay, người dân thôn Hòn Gầm (xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) đã thực hiện thành công mô hình trồng dâu tây trong nhà màng, hứa hẹn mở ra cho người dân hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng.


Mô hình trồng dâu tây do ông Đoàn Sỹ Nguyên phối hợp với hai nông dân khác (tại thôn Hòn Gầm, xã Ba Cụm Nam) thực hiện từ cuối năm 2019, theo phương pháp bán thủy canh, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Đây là loại dâu giống Nhật Bản, được ông Nguyên nhập về từ tỉnh Sơn La. Mô hình có diện tích 300m2, với số lượng khoảng 2.500 cây. Cây dâu tây được trồng hoàn toàn bằng xơ dừa đã được xử lý, trên các máng có khung bằng kim loại, lót bạt; lớp trên cùng được phủ bằng lá thông, nhằm giúp hạn chế các loại sâu bệnh và đảm bảo mẫu mã, chất lượng quả khi thu hoạch. Dâu tây bắt đầu ra quả đợt đầu tiên sau hơn 1 tháng xuống giống và chăm sóc. Mỗi đợt cách nhau khoảng 3 tuần, sản lượng thu hoạch sẽ tăng dần sau mỗi đợt.

 

Thu hoạch dâu tây.

Thu hoạch dâu tây.


Theo ông Nguyên, phân dùng để bón cho cây dâu phải là phân NPK đảm bảo chất lượng, nếu không sẽ bị rụng hết hoa. Đặc biệt, nguồn nước tưới phải là nước sạch, không nhiễm phèn. “Hiện tại, tôi đang thu hoạch lứa dâu thứ 3, dự tính sản lượng đạt hơn 20kg. Sản phẩm thu hoạch chủ yếu bán cho khách đến tham quan hoặc tiêu thụ ở TP. Cam Ranh, với giá 300.000 đồng/kg. Dâu tây giống Nhật Bản có vị thơm, ngọt nên khách hàng khá ưa chuộng. Tuy nhiên, do sản lượng còn ít nên chưa đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngoài ra, tôi cũng cung cấp cây giống cho khách hàng, với giá 15.000 - 40.000 đồng/cây”.


Dâu tây là loại cây trồng cho thu hoạch quanh năm nên hứa hẹn sẽ là mô hình canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Tuy nhiên, ban đầu, nhóm của ông Nguyên cũng gặp không ít khó khăn do chưa có kinh nghiệm. “Ban đầu, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm nhà màng. Bên cạnh đó, khi mới trồng xuống, cây dâu cũng bị sâu bệnh, chúng tôi phải lên Đà Lạt để học hỏi kinh nghiệm. Hiện nay, việc chăm sóc cây dâu đã ổn định”, ông Nguyên cho biết. 


Theo lãnh đạo xã Ba Cụm Nam, nơi đây là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sản xuất khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều hộ trên địa bàn xã đã có thu nhập cao nhờ mạnh dạn chuyển đổi những loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng, mía tím, bưởi da xanh. Riêng đối với mô hình trồng dâu tây trong nhà màng, mặc dù mới thực hiện hơn 2 tháng nhưng đã cho hiệu quả tương đối khả quan, tỏ ra thích nghi với khí hậu tại Ba Cụm Nam, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Hiện tại, có khá nhiều người đến tham quan, mua quả và cây giống, cũng như học hỏi kỹ thuật thực hiện mô hình trồng dâu tây trong nhà màng. Do đó, trong thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để nhân rộng mô hình này trên địa bàn xã để giúp người dân nâng cao thu nhập. “Tuy nhiên, để thực hiện được mô hình trồng dâu tây trong nhà màng thì nguồn vốn đầu tư ban đầu khá lớn, bởi những vật liệu chuyên dụng để làm nhà màng phải mua tận Đà Lạt hoặc ở những địa phương khác, kỹ thuật canh tác còn khá mới mẻ với người dân. Do đó, người dân trong xã cũng mong muốn các cấp có thẩm quyền quan tâm hỗ trợ về nguồn vốn ban đầu, cũng như về khoa học kỹ thuật, đầu ra ổn định để thực hiện mô hình này”, ông Bùi Đạt Nguyên - Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Nam kiến nghị.


Ông Đoàn Sỹ Nguyên cùng các cộng sự đang tìm hiểu thêm về kỹ thuật chăm sóc dâu tây để nâng cao năng suất, chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ để tiếp tục đầu tư phát triển quy mô sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, về lâu dài là phục vụ các đoàn khách tham quan du lịch.


Đinh Luận