11:07, 21/07/2019

Kênh vốn đầu tư thiết thực

Những năm qua, nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã trở thành kênh đầu tư thiết thực, giúp nông dân có vốn sản xuất, vươn lên làm giàu.

Những năm qua, nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã trở thành kênh đầu tư thiết thực, giúp nông dân có vốn sản xuất, vươn lên làm giàu.


Hỗ trợ hơn 2.800 hộ


Theo lãnh đạo Ban Kinh tế xã hội, Hội Nông dân tỉnh, đến nay, với nguồn vốn hơn 58 tỷ đồng, quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đã cho hơn 2.800 hộ vay. Trong đó, vốn Trung ương ủy thác 13,6 tỷ đồng, thực hiện 35 dự án, 364 hộ vay, mức vay từ 20 đến 70 triệu đồng/hộ, quy mô 300 triệu đồng - 1 tỷ đồng/dự án, không có nợ quá hạn; vốn tỉnh dư nợ 13,8 tỷ đồng, thực hiện 41 dự án, 453 hộ, mức vay 20 - 50 triệu đồng/hộ, quy mô 200 - 400 triệu đồng/dự án, không có nợ quá hạn; vốn huyện dư nợ gần 31 tỷ đồng, 1.983 hộ vay. Hiện nay, các cấp hội dồn vốn để xây dựng dự án nhóm hộ với quy mô tối thiểu 50 triệu đồng/dự án, 10 triệu đồng/hộ trở lên.

 

Tổ hợp tác nuôi gà thịt tại xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa.

Tổ hợp tác nuôi gà thịt tại xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa.


Để việc sử dụng vốn có hiệu quả, hội nông dân các cấp đã chỉ đạo và thực hiện tốt việc lồng ghép vay vốn với chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, dạy nghề, xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác, nâng cao giá trị và cạnh tranh sản phẩm. Một số dự án tiêu biểu như: dự án vay vốn của Tổ hội nghề nghiệp nuôi tôm hùm lồng Cam Phú, TP. Cam Ranh có 10 thành viên, vay 400 triệu đồng mua tôm giống, thức ăn, sửa chữa lồng bè… Sau khi thu hoạch, trừ chi phí, thu nhập bình quân mỗi hộ 800 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 35 lao động. Dự án vay vốn của Tổ hợp tác trồng xoài Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm có 6 thành viên, vay 300 triệu đồng, quy mô 2 - 3ha/hộ, các hộ đầu tư phân bón, hệ thống nước tưới nhỏ giọt... Hiện nay, mỗi hộ có từ 250 đến 300 gốc xoài. Sau khi trừ chi phí, mỗi hộ thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 20 lao động. Mô hình Tổ hợp tác bánh tráng Phước Đồng, TP. Nha Trang gồm 10 thành viên, vay 300 triệu đồng đầu tư nguyên liệu, máy móc, thiết bị sản xuất. Sản phẩm tiêu thụ rộng rãi tại các siêu thị, chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh, thu nhập bình quân 60 - 70 triệu đồng/hộ/năm, giải quyết việc làm cho gần 30 lao động địa phương với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng. Mô hình Tổ hợp tác hàng mỹ nghệ Cam Thuận, TP. Cam Ranh có 10 thành viên, vay 400 triệu đồng. Các hộ đầu tư mua 30 tấn gỗ cẩm lai, 20 tấn gỗ giáng hương; mỗi năm sản xuất hàng chục ngàn sản phẩm đựng nhang các loại. Đầu ra sản phẩm ổn định, tiêu thụ rộng rãi tại nhiều nơi như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Thu nhập mỗi hộ hơn 600 triệu đồng/năm; đào tạo, giải quyết việc làm cho 60 lao động địa phương với thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.


Tiếp tục đóng góp xây dựng quỹ


Để phát huy hiệu quả đồng vốn, thời gian qua, hội nông dân các cấp đã phối hợp với các ngành, đơn vị tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho nông dân. 6 tháng đầu năm 2019, các cấp hội đã mở 101 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 7.500 lượt người; mở 10 lớp dạy nghề nông nghiệp cho 309 nông dân, tổ chức dạy nghề cho 1.350 người… Bên cạnh đó, các cấp hội còn xây dựng kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn mở sổ sách kế toán theo dõi hiệu quả nguồn vốn, kịp thời nhắc nhở, xử lý những trường hợp sử dụng vốn không hiệu quả.


Ông Nguyễn Trọng Trung - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, đến thời điểm này không có trường hợp nào vay vốn không hiệu quả, chỉ có một số dự án bị ảnh hưởng bởi bão số 12 năm 2017 nên các cấp hội tạo điều kiện cho người dân vay lại để phục hồi sản xuất. Trong đó, các dự án nông nghiệp được vay tùy theo đối tượng từ 2 đến 3 năm mới thu hồi vốn.


Theo lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, thời gian tới, các cấp hội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của Quỹ Hỗ trợ nông dân, các mô hình, dự án hiệu quả; tiếp tục vận động nông dân, hội viên đóng góp xây dựng quỹ; tham mưu lãnh đạo các cấp quan tâm bổ sung quỹ từ ngân sách; thực hiện việc thu hồi vốn và luân chuyển vốn đúng quy định. Cùng với đó, nâng cao chất lượng mô hình, dự án; lồng ghép các hoạt động dạy nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để phát huy hiệu quả nguồn vốn; tập trung hỗ trợ vốn cho các chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý, điều hành quỹ; kiểm tra việc sử dụng vốn, đảm bảo nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích…


V.Lạc