07:06, 09/06/2019

Liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân: Quy mô còn nhỏ

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu đề tài "Thực trạng liên kết giữa doanh nghiệp (DN) với nông dân tại tỉnh Khánh Hòa thời gian qua"...

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu đề tài “Thực trạng liên kết giữa doanh nghiệp (DN) với nông dân tại tỉnh Khánh Hòa thời gian qua”. Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy, về cơ bản, liên kết giữa DN với nông dân còn ít.
 
Sản xuất rau an toàn tại xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa.
Sản xuất rau an toàn tại xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa.
 
Tiến sĩ Đào Thị Hoàng Mai - Viện Kinh tế Việt Nam, chủ nhiệm đề tài cho biết, tuy nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong GDP nhưng vẫn đóng vai trò quan trọng đối với người dân khu vực nông thôn và trong quá trình phát triển kinh tế. Việc liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã và đang được nhân rộng ở nhiều huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Đề tài triển khai nhằm đánh giá, phân tích thực trạng liên kết giữa DN và nông dân tại tỉnh trong thời gian qua. 
 
Đề tài được thực hiện từ năm 2017 đến 2019. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã chọn 4 sản phẩm nông lâm, thủy sản quan trọng của tỉnh gồm: mía, tôm hùm, xoài, rau an toàn để phân tích, đánh giá thực trạng liên kết. Kết quả cho thấy, mức độ liên kết giữa DN với nông dân khá đa dạng và có sự khác biệt giữa các sản phẩm nông nghiệp khác nhau. Có những ngành liên kết khá chặt như ngành mía đường, hoặc đã xuất hiện một số mô hình liên kết ở lĩnh vực rau an toàn, xoài nhưng quy mô diện tích, sản lượng từ việc liên kết còn nhỏ, ít. Bên cạnh đó, có lĩnh vực như nuôi tôm hùm thiếu vắng hoàn toàn sự tham gia của các DN trong các mối liên kết. 
 
Cụ thể, mô hình nuôi tôm hùm ở tỉnh hầu hết theo quy mô hộ gia đình, sản xuất riêng lẻ, hoàn toàn độc lập, theo kiểu mạnh ai nấy làm. Các mối liên kết giữa nông dân với các nhà cung cấp đầu vào chủ yếu mang tính tự phát trên cơ sở thỏa thuận miệng, khâu tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái… Đề tài cũng chỉ ra nguyên nhân và hạn chế của thực trạng trên là do môi trường, chính sách khuyến khích, thúc đẩy liên kết giữa DN với nông dân đã có nhưng chưa thật hiệu quả; nhận thức của nông dân về liên kết chưa cao do quy mô sản xuất nhỏ nên quá trình sản xuất, tiêu thụ chưa gặp sự cố rủi ro lớn khiến nông dân không thực sự thấy cần đến liên kết và cũng dễ dàng phá bỏ các thỏa thuận liên kết. Liên kết DN - nông dân phải do DN chủ động dẫn dắt, tuy nhiên, tại tỉnh Khánh Hòa đang thiếu vắng những DN sản xuất, chế biến nông nghiệp quy mô lớn và có trình độ công nghệ hiện đại.
 
Theo Tiến sĩ Đào Thị Hoàng Mai, để thúc đẩy và phát triển mối liên kết giữa DN với nông dân, tỉnh Khánh Hòa cần xây dựng các giải pháp đồng bộ. Cụ thể, quan tâm phát triển các hợp tác xã, bởi vai trò của các hợp tác xã là đầu tàu trong mối liên kết này; phải thực hiện bảo tồn và phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, từ đó tiến tới việc xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông sản của địa phương; cần có quy hoạch vùng sản xuất đảm bảo các tiêu chí về môi trường; thực hiện việc dán nhãn chứng nhận sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút nhóm DN có công nghệ tiên tiến gắn với ngành, lĩnh vực sản xuất mà tỉnh Khánh Hòa có ưu thế; mở rộng địa bàn liên kết ra ngoài tỉnh; tăng cường nhận thức cho người sản xuất về ý thức an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống thông tin minh bạch từ người sản xuất đến thị trường... 
 
Tiến sĩ Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đánh giá: “Đề tài đã chỉ ra được thực trạng liên kết giữa nông dân và DN trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, giúp tỉnh có cái nhìn rõ hơn về những tồn tại, khó khăn của mối liên kết này. Trên cơ sở đó, sẽ có các giải pháp tháo gỡ nhằm tăng cường mối liên kết DN với nông dân”.
 
THẢO LY