09:03, 04/03/2019

Khẩn trương xác minh nguồn gốc

Sáng 4-3, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thành lập ngay đoàn công tác, tiến hành điều tra, xác định rõ nguồn gốc số heo bị chết vứt trên hồ chứa nước, kênh dẫn nước tại huyện Cam Lâm.

Sáng 4-3, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phải thành lập ngay đoàn công tác, tiến hành điều tra, xác định rõ nguồn gốc số heo bị chết vứt trên hồ chứa nước, kênh dẫn nước tại huyện Cam Lâm.

 

zzCác trang trại chăn nuôi heo ở Khánh Hòa đang triển kha i nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Các trang trại chăn nuôi heo ở Khánh Hòa đang triển kha i nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh.


Xuất hiện bệnh lở mồm long móng


Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ngày 1-3, tiếp nhận thông tin có heo ốm, chết tại 1 hộ chăn nuôi heo ở thôn Xuân Lập, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm, lực lượng thú y địa phương đã tiến hành kiểm tra, mổ khám và lấy mẫu gửi xét nghiệm. UBND huyện Cam Lâm cũng đã quyết định tiêu hủy 22 con heo có tổng trọng lượng 812kg, trong đó có 2 heo nái, 10 heo con 3 ngày tuổi và 10 con 3 tháng tuổi. Kết quả xét nghiệm heo mắc bệnh lở mồm long móng typ O, không phát hiện bệnh dịch tả heo châu Phi. UBND xã  Cam Tân đã triển khai các biện pháp chống dịch như: phun thuốc tiêu độc, khử trùng, đồng thời lập bản cam kết chống dịch đối với 7 hộ chăn nuôi heo với tổng số 192 con trên địa bàn xã. Đến hết ngày 3-3, các đàn heo chưa có biểu hiện bệnh.

 

Hàng chục con heo chết bị vứt xuống hồ Suối Dầu.

Hàng chục con heo chết bị vứt xuống hồ Suối Dầu.


Sáng 3-3, người dân và cơ quan chức năng phát hiện 18 con heo chết được thả trôi lềnh bềnh trên hồ chứa nước Suối Dầu thuộc địa bàn xã Suối Tân, Cam Lâm. Chiều cùng ngày, khoảng 20 con heo chết trương sình, đang phân hủy cũng được phát hiện bị mắc kẹt ở một cống nước trên kênh chính nam hồ chứa nước Cam Ranh đoạn qua xã Cam Hiệp Bắc, Cam Lâm. Cơ quan chức năng cho biết, phần lớn số heo này có trọng lượng 90kg trở lên, trên mình một số heo có vết sơn màu đỏ.


Ông Lê Ngọc Tú - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cam Lâm cho biết, ngay sau khi phát hiện số heo chết, chính quyền địa phương và lực lượng thú y cùng phối hợp tiến hành xử lý theo hình thức chôn lấp và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng khu vực phát hiện heo chết cũng như khu vực chôn lấp. Việc lấy mẫu xác định nguyên nhân heo chết cũng như xác định bệnh tích không thực hiện được do heo đã bị phân hủy.


Phải xác định rõ nguồn gốc heo chết


Sáng 4-3, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp chính quyền địa phương và các sở, ngành, đơn vị liên quan đưa ra các giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm khống chế, kiểm soát tình hình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, kinh doanh heo và các sản phẩm từ thịt heo trên địa bàn tỉnh. “Khi phát hiện các tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy trình phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, vứt bỏ heo nhiễm bệnh, heo chết ra môi trường phải xử lý nghiêm, thậm chí truy tố theo quy định của pháp luật”, ông Đào Công Thiên nhấn mạnh.


Liên quan vấn đề này, ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, trong chiều 4-3, sở tiến hành họp triển khai các chỉ đạo của tỉnh. Trong đó, việc kiểm soát chặt chẽ hơn nữa hoạt động chăn nuôi trong tỉnh và hoạt động vận chuyển heo qua địa bàn tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm.


Để tìm hiểu nguồn gốc số lượng heo chết kể trên, huyện Cam Lâm đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh tại các hộ chăn nuôi heo ở 5 xã gồm: Suối Cát, Suối Tân, Cam Tân, Cam Hòa và Cam Hiệp Bắc; tổ chức thống kê, rà soát số lượng đầu con hiện tại, so sánh với số lượng chăn nuôi ngành Thú y đang nắm trước khi xảy ra vụ việc, yêu cầu các hộ chăn nuôi chứng minh tình hình tăng giảm đàn trong thời gian qua để xác định xem có phải người chăn nuôi địa phương vứt heo chết ra môi trường hay không. Ngoài ra, theo một số nguồn tin, vào sáng 3-3, người dân phát hiện 1 chiếc xe tải lớn chở heo ngoài tỉnh đã tiến hành chuyển tải một số lượng heo qua xe khác nhỏ hơn trên địa bàn huyện Cam Lâm có những dấu hiệu không bình thường. Cơ quan chức năng đang xác minh thông tin này.


Ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, cùng với việc rà soát, tăng cường kiểm soát hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ heo trên toàn tỉnh, ngành Thú y tỉnh cũng triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm kiểm soát tình hình. Hiện nay, các loại vật tư hóa chất đã được chuẩn bị để khi có dịch bệnh xảy ra có thể tiến hành tiêu độc, khử trùng. Tất cả các trang thiết bị bảo hộ lấy mẫu và các phương tiện phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh đều đã sẵn sàng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là quy mô chăn nuôi heo trong tỉnh hiện còn nhỏ lẻ, các hộ chăn nuôi khó hoặc không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi khá phổ biến, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh; hoạt động thương mại, giết mổ, vận chuyển heo bệnh, heo nghi bệnh, heo chết từ các địa phương có dịch bệnh sang các địa phương chưa có dịch bệnh cũng làm dịch bệnh có nguy cơ lây lan.


Giữa lúc dịch tả heo châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp ở một số tỉnh phía bắc, việc phát hiện hàng chục con heo chết vứt xuống hồ chứa nước, kênh dẫn nước chứng tỏ ý thức phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi của người dân còn hạn chế. Trong khi đó, việc kiểm soát chăn nuôi của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng vẫn còn một số bất cập. Trong đó, việc các nhân viên thú y xã chuyển về UBND cấp xã quản lý, không còn do Chi cục Chăn nuôi và Thú y quản lý trong khi không ít nhân viên này kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau ở xã, nên công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi phải qua nhiều bước, chưa kịp thời.


Hồng Đăng