10:09, 03/09/2018

Doanh nghiệp dệt may: Cơ hội và thách thức

Sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục có nhiều ảnh hưởng đến các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những thuận lợi, nhiều khó khăn cũng sẽ song hành ở phía trước.

Sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục có nhiều ảnh hưởng đến các doanh nghiệp (DN) dệt may trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những thuận lợi, nhiều khó khăn cũng sẽ song hành ở phía trước.


Đơn hàng tăng


Ông Lý Anh Tài - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết: “Bắt đầu từ tháng 4, các đối tác từ Mỹ đã tìm đến DN chúng tôi đặt hàng nhiều hơn. Từ đó đến nay, đơn hàng liên tục tăng. Khả năng năm 2018, doanh thu của chúng tôi sẽ đạt 1.000 tỷ đồng, trong đó có 14 triệu USD xuất khẩu và nộp ngân sách hơn 30 tỷ đồng”.

 

Công nhân Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang.

Công nhân Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang.


Không chỉ riêng Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang mà hầu hết các DN có sản phẩm dệt may xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đều có đơn hàng từ thị trường Mỹ tăng đáng kể. DN dệt may Việt có được cơ hội này là bởi ngay sau khi Mỹ có những chính sách đánh thuế cao vào các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có các sản phẩm dệt may, hàng loạt khách hàng Mỹ đã bỏ nguồn cung Trung Quốc, tìm đến các sản phẩm dệt may của Việt Nam để mua sản phẩm thay thế.


 Ông Nguyễn Thất Linh - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Thương mại Khatoco cho biết: “Các đơn hàng của dệt may Khatoco tăng hơn rất nhiều so với năm 2017. Mục tiêu 1 triệu sản phẩm vào thị trường Mỹ và Canada của chúng tôi chắc chắn sẽ hoàn thành. Năm 2018, các sản phẩm may mặc của Khatoco bán ra thị trường khả năng sẽ tăng 10%. Giai đoạn này chính là cơ hội để dệt may Khatoco tăng tỷ trọng, tăng đối tác xuất khẩu sang thị trường lớn như Mỹ. Nếu biết tận dụng tốt thì tình hình xuất khẩu năm 2019 còn khả quan hơn rất nhiều”.

Thách thức lớn


Tuy nhiên, theo các DN dệt may, bên cạnh những thuận lợi thì cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ đem đến vô vàn khó khăn cho các DN dệt may Việt Nam, trong đó có các DN Khánh Hòa. Theo phân tích của ông Tài, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang khiến khả năng tiêu thụ nội địa hàng may mặc của Việt Nam bị ảnh hưởng, bởi việc bị đánh thuế cao tại Mỹ sẽ khiến hàng may mặc Trung Quốc vốn có mẫu mã phong phú, tiếp cận xu thế thời trang tốt hơn sẽ tràn vào thị trường Việt Nam nhiều hơn. Điều này sẽ bất lợi cho các DN trong nước chuyên sản xuất các mặt hàng thời trang.


Bên cạnh đó, việc các DN may của Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nguyên phụ liệu của Trung Quốc cũng là điều bất lợi cho sự phát triển của các ngành: sợi, dệt, may. Nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang và kéo dài thì các nhà nhập khẩu từ Mỹ sẽ hạn chế sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc để tránh rủi ro. Bởi vậy, các DN có hàng xuất khẩu sang Mỹ cần lường trước điều này và chủ động đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu, phụ liệu...


Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: “Giai đoạn đầu sẽ rất thuận lợi cho DN dệt may Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung. Thực tế những tháng vừa qua, các đơn hàng của DN dệt may trên địa bàn tăng rất nhiều. Dù bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 12 năm 2017 nhưng với mức tăng trưởng này, dệt may Khánh Hòa sẽ vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, về lâu dài, đây là thách thức không nhỏ cho các DN dệt may. Khi xuất khẩu dệt may Trung Quốc bị đe dọa, không loại trừ khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hơn nữa luân chuyển sản xuất sang các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, nhằm tận dụng lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công, thương mại. Đồng thời, hàng dệt may Trung Quốc không xuất được qua Mỹ vì thuế cao, sẽ tràn sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Khi đó, thị trường may mặc trong nước sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn. Điều này, các DN dệt may ở Khánh Hòa cần phải tính đến nhằm giảm thiểu những rủi ro”.


ĐÌNH LÂM