09:08, 29/08/2018

Nuôi thương phẩm động vật hoang dã: Người dân không còn mặn mà

Hiện nay, người dân không còn mặn mà với việc nuôi thương phẩm các loại động vật hoang dã thông thường. Nguyên nhân chủ yếu là do đầu ra hạn chế, giá cả bấp bênh.

Hiện nay, người dân không còn mặn mà với việc nuôi thương phẩm các loại động vật hoang dã thông thường. Nguyên nhân chủ yếu là do đầu ra hạn chế, giá cả bấp bênh.


Mới đây, khi trở lại thăm trại nuôi nhím của gia đình ông Nguyễn Văn Sinh (thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh), chúng tôi thấy những chuồng nuôi trơ trọi, đàn nhím nuôi hàng chục con trước đây đã được bán hết. Ông Sinh kể: “Năm 2011, thấy nhím dễ nuôi, lãi cao, bởi giá nhím thịt rất cao, đến 600.000 đồng/kg. Chính vì vậy, sau khi xây xong 25 chuồng nhím, tôi lên Tây Nguyên tìm mua 4 cặp nhím giống bố mẹ về nuôi, gây đàn, số lượng cá thể nhím của tôi có thời điểm lên đến gần 50 con. Tuy nhiên, 4 - 5 năm gần đây, do nuôi nhím giống bán không được, gia đình tôi chuyển sang nuôi bán thịt nhưng cũng rất khó tiêu thụ nên còn 10 con tôi bán hết, không nuôi nữa”.

 

Gia đình ông Nguyễn Thâu đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nhím nuôi.

Gia đình ông Nguyễn Thâu đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nhím nuôi.


Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh, nếu như trước đây, trên địa bàn huyện có hàng chục cơ sở nuôi động vật hoang dã thông thường, trong đó chủ yếu là nuôi nhím thì hiện nay nhiều cơ sở đã bỏ nuôi, thu hẹp quy mô. Ngoài Công viên du lịch Yang Bay nuôi cá sấu và một số loài động vật hoang dã khác phục vụ du lịch thì chỉ có 1 hộ nông dân nuôi hươu sao với 8 cá thể.


Ở TP. Cam Ranh, ông Nguyễn Thâu (tổ dân phố Ngô Mây, phường Ba Ngòi) là một trong số ít những hộ còn gắn bó với việc nuôi giống, nuôi thương phẩm động vật hoang dã thông thường. Ông Thâu cho hay: “Số nhím giống, nhím thịt trong trại nuôi của gia đình tôi lên đến 125 con nhưng chưa xuất bán được. Hiện nay, nghề nuôi nhím đã qua thời hoàng kim. Bây giờ, nhím giống đẹp chỉ có giá khoảng 3 - 4 triệu đồng/cặp, nhím thịt chỉ khoảng 230.000 đồng/kg. Giá rẻ thế nhưng chẳng mấy người mua. Từ đầu năm đến nay, tôi chưa bán được con nhím nào”. Chia sẻ về những khó khăn trong đầu ra của các cơ sở nuôi nhím, ông Thâu cho rằng, thời gian qua, giá thương phẩm của các loại động vật hoang dã thông thường không thể cạnh tranh được với các loại thực phẩm khác, nhu cầu sử dụng các loại động vật này cũng bão hòa nên bị rớt giá, đầu ra khó khăn.


Theo ông Nguyễn Văn Điện - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cam Ranh, trước đây, trên địa bàn TP. Cam Ranh có hàng chục hộ nuôi giống, nuôi thương phẩm động vật hoang dã thông thường, tổng đàn lên đến hàng nghìn con. Thời hoàng kim, phong trào nuôi động vật hoang dã thông thường được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Tuy nhiên, do đầu ra khó khăn, bấp bênh nên hiện nay, số cơ sở nuôi động vật hoang dã thông thường trên địa bàn chỉ còn 11 cơ sở, trong đó có 2 cơ sở nuôi nhím, 1 cơ sở nuôi nai, 1 cơ sở nuôi chim trĩ, 1 cơ sở nuôi rắn ráo với tổng đàn chỉ vài trăm con.


Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh hiện có 61 cơ sở nuôi động vật hoang dã, giảm hơn 50% so với năm 2015; tổng đàn hiện còn hơn 24.000 con. Các loại động vật hoang dã nuôi chủ yếu là: cá sấu, nhím, heo rừng, cầy vòi hương, chim trĩ, các loại rắn, hươu, nai… Hiện nay, quy định về cấp phép nuôi động vật hoang dã thông thường rất thuận lợi, người dân chỉ cần đến hạt kiểm lâm để đăng ký, cấp phép nuôi. Tuy nhiên, những năm gần đây, số cơ sở xin cấp phép nuôi mới rất ít, 6 tháng đầu năm chỉ có 1 cơ sở xin cấp phép nuôi mới; nhiều cơ sở đã dừng hoạt động, giảm đàn rất lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do người nuôi thiếu kiến thức chăm sóc nên vật nuôi chậm lớn, đầu ra khó khăn, vì vậy mà nông dân không còn mặn mà.


BÍCH LA