11:02, 26/02/2018

Ngành dệt may đang khởi sắc

Các doanh nghiệp (DN) dệt may trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đều tăng trưởng mạnh trong năm 2017. Theo dự báo, năm 2018, các DN tiếp tục có những bước tiến mới, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu.

 

Các doanh nghiệp (DN) dệt may trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đều tăng trưởng mạnh trong năm 2017. Theo dự báo, năm 2018, các DN tiếp tục có những bước tiến mới, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu.


Nhiều cơ hội


Theo báo cáo của Sở Công Thương, năm 2017, ngành dệt may có mức tăng trưởng tốt. Trong đó, các sản phẩm dệt may và nguyên phụ liệu xuất khẩu ước đạt 73,72 triệu USD, tăng hơn 7% so với năm trước. Với những điều kiện thuận lợi, năm 2018 được dự đoán là năm có nhiều khởi sắc cho ngành dệt may. Trong tháng 1 và tháng 2-2018, hầu hết các DN đều có những bước tăng trưởng đáng khích lệ.

 

Dàn máy dệt hiện đại của Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang.

Dàn máy dệt hiện đại của Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang.

 

Tại Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, 2 tháng đầu năm, DN đã xuất khẩu được 700 tấn sợi trị giá 2 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước; sản phẩm may mặc cũng xuất khẩu được 700.000 USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng. Ông Võ Đình Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã có đơn hàng sản xuất đến hết 6 tháng đầu năm và tăng hơn rất nhiều so với năm 2017. Toàn bộ sản phẩm của chúng tôi xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Năm 2018 được dự đoán là năm khởi sắc của ngành dệt may và mức tăng trưởng có thể vẫn duy trì ở 2 con số. Đối với các DN lớn, số lượng đơn hàng trong năm nay sẽ tăng lên nhiều. Riêng với Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang khả năng sẽ tăng hơn 10%”.


Các chuyên gia ngành dệt may nhận định, do tình hình kinh tế “ấm lên” nên nhu cầu may mặc của các nước cũng tăng theo. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực dệt may và da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao sẽ giúp các đơn hàng dệt may tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực trong năm 2018 cũng sẽ là triển vọng sáng cho dệt may.


Ông Nguyễn Thất Linh - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Thương mại Khatoco nhận định: “Khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết vào ngày 8-3-2018 và có hiệu lực thì phần lớn hàng dệt may của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào các nước thành viên CPTPP. Các DN dệt may trong nước kỳ vọng lớn vào các thị trường mới như: Canada, Australia, Peru… Riêng với Canada, ngay từ năm đầu tiên CPTPP có hiệu lực, 42% thuế xuất khẩu vào thị trường này sẽ về 0%, đến năm thứ 4 là 57,1%. Trong khi đó, hàng dệt may của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 2% thị phần tại Canada. Vì vậy, cơ hội mở rộng thị trường là rất lớn”. Theo ông Linh, trong 2 tháng đầu năm, các sản phẩm dệt may xuất khẩu của Khatoco đã tăng trưởng rất mạnh so với năm 2017. Bên cạnh đó, các sản phẩm bán tại nội địa cũng có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, lĩnh vực thời trang nam chất lượng cao đang là phân khúc phát triển mạnh nhất. Năm 2018, các sản phẩm may mặc của Khatoco bán ra thị trường khả năng sẽ tăng 10%.     


Cần giải pháp để phát triển bền vững


Bên cạnh thuận lợi, những năm tới, ngành dệt may vẫn còn gặp nhiều thách thức. Để các DN dệt may trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, cần nhiều giải pháp.

 

Theo ông Võ Đình Hùng, tuy hiện nay khoảng cách trình độ và chất lượng sản phẩm giữa dệt may Việt Nam và Trung Quốc đã được thu hẹp, song các DN dệt may ở Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung đang gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước Nam Á về giá thành. Hơn thế, các quốc gia có ngành dệt may cạnh tranh như: Myanmar, Campuchia, Bangladesh… có chi phí về bảo hiểm, đất đai, thuế... thấp hơn so với Việt Nam. Trong khi đó, năm 2018, phí bảo hiểm xã hội được tính trên tổng thu nhập sẽ khiến chi phí của DN Việt Nam tăng đột biến. Đây là điều đáng lo cho các DN vì giá có thể giảm nhưng đầu vào ở Việt Nam như tiền lương và các chi phí khác như: chi phí vận chuyển, chi phí làm thủ tục hành chính, chi phí hải quan… cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt, so với các DN dệt may tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, các DN dệt may Khánh Hòa còn mất lợi thế trong việc vận chuyển hàng hóa, dẫn tới giá thành sản phẩm bị đội lên, ảnh hưởng đến cạnh tranh. Ông Võ Đình Hùng cho hay: “Dù khả năng có nhiều khởi sắc trong năm 2018, song để có thể phát triển bền vững, các DN dệt may tại Khánh Hòa cần phải có những giải pháp cụ thể. Hiện nay, các DN dệt may ở Khánh Hòa có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ máy móc còn lạc hậu. Vì vậy, trong thời gian tới, cần đầu tư mạnh vào máy móc để tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm”.

 

Ngành dệt may sẽ có nhiều khởi sắc trong năm 2018.

Ngành dệt may sẽ có nhiều khởi sắc trong năm 2018.

 

Ngoài ra, cùng với việc tìm kiếm các đơn hàng gia công theo kiểu truyền thống, DN cần sớm chuyển sang hình thức mua nguyên liệu bán thành phẩm theo những mức độ khác nhau. Có như thế mới hy vọng tham gia vào khâu cao hơn trong chuỗi sản xuất. Bên cạnh các thị trường truyền thống, cần tập trung phát triển các thị trường trong khối ASEAN, Liên minh Á - Âu, Ấn Độ… trong đó đặc biệt coi trọng, tạo dựng mối liên kết với hệ thống phân phối ở thị trường nội địa.


Ông Trần Văn Ngoạn - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Để ngành dệt may phát triển bền vững, thời gian tới, các DN ở Khánh Hòa cần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất sợi, dệt, nhuộm, may nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tập trung đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi, có lựa chọn, tránh dàn trải. Đồng thời, không nên bỏ qua thị trường nội địa, phát triển các sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, xây dựng thương hiệu mới và các kênh tiêu thụ. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các DN phải có giải pháp nâng cao năng suất lao động thông qua cải tiến công nghệ, thiết bị và quản trị về DN. Với những giải pháp đó, hy vọng ngành dệt may sẽ có bước phát triển mới”.


Đình Lâm