01:11, 04/11/2010

Nhiều cơ hội, lắm thách thức…

Hiện nay, thị trường tiêu thụ đá granite không ngừng được mở rộng. Lợi thế của một số chủng loại đá đã có thương hiệu như đá granite màu trắng và đá granit màu tím với trữ lượng khá lớn… đã trở thành cơ hội để ngành khai thác, chế biến đá granite của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, hiện ngành này đang gặp không ít thách thức.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ đá granite không ngừng được mở rộng. Lợi thế của một số chủng loại đá đã có thương hiệu như đá granite màu trắng và đá granit màu tím với trữ lượng khá lớn… đã trở thành cơ hội để ngành khai thác, chế biến (KT-CB) đá granite của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, hiện ngành này đang gặp không ít thách thức.

Ngành khai thác và chế biến đá granite trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển.
Ngành khai thác và chế biến đá granite trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển.
Những năm gần đây, ngành công nghiệp KT-CB đá granite trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có sự phát triển khá mạnh, đã có thêm một số doanh nghiệp (DN) đầu tư phát triển ngành này. Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Việt Đức là một ví dụ. Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Công ty cho biết, Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Việt Đức phát triển song song 2 ngành nghề chính, đó là chế biến gỗ và KT-CB đá granite. Từ năm 1997, Công ty được UBND tỉnh cấp phép khai thác mỏ đá granite Suối Tiên với trữ lượng mỏ đá khoảng 1,5 triệu m3; liên tục 13 năm qua, thương hiệu đá granite trắng Suối Tiên được thị trường trong và ngoài nước biết đến. Hiện nay, Công ty đang cung ứng đá khối cho hơn 30 nhà máy chế biến đá granite trong cả nước, thị trường tiêu thụ chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh và Bình Định với sản lượng hơn 8.000m3/năm. Gần đây, đơn vị còn mở rộng thị trường ra khu vực phía Bắc. Để nâng cao hiệu quả KT-CB đá granite, đầu năm 2007, Công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến đá granite để sản xuất đá tấm granite thành phẩm đã qua mài bóng, đáp ứng được yêu cầu ốp lát trong nước và xuất khẩu; nâng tổng công suất chế biến đá tấm granite đạt 100.000m2/năm. Hiện Công ty có 20 đại lý, cửa hàng tiêu thụ trong cả nước. Vừa qua, Công ty đã đầu tư hàng tỷ đồng cho hệ thống máy cắt đá trực tiếp trên boong đá, đây là công nghệ mới trong khai thác đá granite hiện nay, qua đó đã nâng cao được năng lực và hiệu quả khai thác đá.

Theo đánh giá chung, trữ lượng đá granite trên địa bàn tỉnh tương đối lớn, với nhiều chủng loại đá có chất lượng cao mà một số địa phương khác không có như đá granite màu trắng tập trung ở Diên Khánh và đá granite màu tím tập trung ở Vạn Ninh. Với lợi thế ấy, những năm qua, sản phẩm đá granite Khánh Hòa đã có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, thị trường đá granite càng mở rộng khi đời sống kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, các công trình lớn sử dụng đá granite chất lượng cao để ốp lát ngày càng nhiều… Tuy nhiên, theo một số DN chế biến đá, do sản phẩm đá granite trong nước sản xuất ra chưa thể đáp ứng yêu cầu của thị trường ngày càng phong phú nên đã tạo điều kiện cho đá granite của nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất, kinh doanh của các DN trong nước.  

Nếu so với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, với 13 đơn vị đang khai thác, 10 nhà máy chế biến đá granite trên địa bàn tỉnh là con số không nhiều. Theo ông Hoàng Trọng Vinh - Trưởng phòng Khoáng sản - Địa chất (Sở Tài Nguyên và Môi trường - TN-MT), ngành công nghiệp KT-CB đá granite đang đứng trước cơ hội phát triển, thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng, sản phẩm làm ra chưa đủ cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, các nhà máy chế biến đá granite trên địa bàn tỉnh hầu hết đều thiếu nguyên liệu; hệ thống thiết bị, công nghệ KT-CB đá granite của các đơn vị chủ yếu là công nghệ cũ, kết hợp với thủ công nên năng suất, chất lượng sản phẩm không cao, chưa đáp ứng được sự đa dạng về sản phẩm, mẫu mã… Ngoài ra, đội ngũ lao động trong ngành KT-CB đá hầu hết chưa qua đào tạo, lực lượng lao động kỹ thuật cao còn hạn chế là những nguyên nhân khiến ngành này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đá granite, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ đưa các khu vực đá granite trên địa bàn tỉnh đã được thăm dò vào trong Bổ sung quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2010; trên cở sở đó tỉnh sẽ đề nghị Bộ TN-MT cấp giấy phép khai thác đá cho các DN. Bên cạnh việc chú trọng các biện pháp nhằm thúc đẩy ngành KT-CB đá granit phát triển, tỉnh còn chú trọng các giải pháp nhằm giải quyết hài hòa 3 lợi ích: kinh tế - xã hội và môi trường. Cũng theo ông Hoàng Trọng Vinh, nếu được Bộ TN-MT cấp giấy phép khai thác, nhiều đơn vị KT-CB đá granite trên địa bàn tỉnh sẽ mạnh dạn đầu tư thiết bị công nghệ để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cơ hội để phát triển ngành công nghiệp KT-CB đá granite của tỉnh là rất lớn, tuy nhiên cần chú trọng phát triển ngành này một cách bền vững. Để đảm bảo tài nguyên không bị lãng phí, việc cấp phép khai thác cần thực hiện đối với những đơn vị có đủ năng lực với hệ thống thiết bị, công nghệ hiện đại, có phương pháp KT-CB an toàn, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, với số lượng DN nhỏ và vừa chiếm đa số, các cơ quan chức năng cần có biện pháp hỗ trợ để giúp các DN đầu tư phát triển trong ngành này. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các đơn vị KT-CB đá granite cần xây dựng cho mình một chiến lược phát triển lâu dài, chú trọng đầu tư thiết bị, công nghệ, tập trung đào tạo nguồn nhân lực để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường.

BÍCH LA