03:11, 03/11/2010

Cần tăng cường các biện pháp an ninh bảo vệ du khách

Thời gian gần đây, nhiều du khách quốc tế đã đề nghị Nha Trang - Khánh Hòa cần phải có lực lượng cảnh sát du lịch để hỗ trợ du khách, làm trong sạch môi trường du lịch. Đó là ý kiến hợp lý, tuy nhiên đây là vấn đề lớn của cả nước chứ không chỉ một địa phương muốn là làm được.

Thời gian gần đây, nhiều du khách (DK) quốc tế đã đề nghị Nha Trang - Khánh Hòa cần phải có lực lượng cảnh sát du lịch (DL) để hỗ trợ DK, làm trong sạch môi trường DL. Đó là ý kiến hợp lý, tuy nhiên đây là vấn đề lớn của cả nước chứ không chỉ một địa phương muốn là làm được. Vì vậy, trước mắt, để làm lành mạnh môi trường DL của Nha Trang - Khánh Hòa, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ DK.

Khách du lịch tàu biển bị người bán hàng rong chèo kéo.

Tuy đã rất nỗ lực để gìn giữ môi trường DL, nhưng khách DL đến Nha Trang vẫn thường bị người bán hàng rong, xích lô đeo bám…; thậm chí có những trường hợp khách bị lừa đảo, cướp giật. Không ít lần người viết bài này chứng kiến cảnh DK đến các điểm DL như cảng Cầu Đá, chùa Long Sơn… khổ sở vì bị những người bán hàng rong đeo bám mời mua bưu thiếp, các vật lưu niệm, thậm chí là ăn xin. Trước thực tế đó, các công ty DL trước khi đưa khách đi tham quan đều phổ biến một số điều nên tránh khi đi DL cho khách của mình. Nhiều khách DL nước ngoài đến Nha Trang đã khá ngạc nhiên khi biết thành phố DL lớn như Nha Trang lại chưa có đội ngũ cảnh sát DL. Vì vậy, nhiều DK cũng như những người làm dịch vụ DL kiến nghị cần sớm thành lập lực lượng cảnh sát DL. Trên chuyên mục Nha Trang qua con mắt bạn bè, anh Tal Sella - khách DL Israel bày tỏ: “Tôi được biết, nhiều DK nước ngoài bị cướp giật máy ảnh, điện thoại khi dạo chơi ở bãi biển Nha Trang, đặc biệt là vào ban đêm. Bạn tôi cũng vừa bị cướp điện thoại khi ngồi chơi ở biển đến 1 giờ sáng. Các cuốn sách về DL Khánh Hòa có cung cấp số điện thoại của công an. Tuy nhiên, khi gặp sự cố, gọi điện đến những số này, DK không thể trình báo được gì vì người trực không biết tiếng Anh. Bất đồng về ngôn ngữ là một trong những trở ngại lớn, ảnh hưởng đến ngành DL. Vì vậy theo tôi, Nha Trang cũng như các trung tâm DL của Việt Nam cần phải có lực lượng cảnh sát DL. Các chốt cảnh sát DL phải đặt ở các điểm có đông DK và cần có biển báo ghi “Police” (Cảnh sát) để DK biết, liên lạc khi cần. Và lực lượng này cũng cần phải biết tiếng Anh để có thể tiếp cận được với khách nước ngoài…”. Anh Peter Hopkins (khách DL người Anh) cho biết: “Ở Thái Lan, một DK bị bán hàng với giá “cắt cổ” có thể gặp cảnh sát DL và yêu cầu can thiệp. DK gặp khó khăn vì bị mất cắp, bị lạc đường, cảnh sát DL sẽ có trách nhiệm bảo vệ, hướng dẫn và giúp đỡ họ”. Anh Bùi Minh Thắng - Giám đốc Công ty DL Phương Thắng bày tỏ: “DK đến Nha Trang rất hay bị làm phiền bởi đội quân bán hàng rong, nạn cò mồi, đôi khi còn bị cướp giật. Mỗi khi gặp tình huống bất lợi, DK phải tìm đến trụ sở công an để báo cáo. Thế nhưng, do trình độ ngoại ngữ của lực lượng công an còn hạn chế nên việc giao tiếp giữa hai bên rất khó khăn, thông thường phải nhờ hướng dẫn viên của các công ty DL. Chính vì vậy, DK rất ngại đến cơ quan công an để trình báo những vấn đề họ gặp phải… Theo tôi, ngành DL nên sớm đề nghị cấp trên cho thành lập lực lượng cảnh sát DL chuyên nghiệp, thường xuyên có mặt ở các điểm DL để trực tiếp giải quyết những vấn đề DK gặp phải như được quyền xử phạt người bán hàng rong, xử phạt tài xế taxi, khách sạn “chặt chém” DK… Chỉ cần nhìn thấy hình ảnh người cảnh sát DL là DK có thể yên tâm về một điểm đến an toàn”. 

Ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những thành phố, điểm DL quốc tế đều có cảnh sát DL. Các nước láng giềng của Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Campuchia… đã có đội ngũ cảnh sát DL từ lâu. Việc cảnh sát DL có mặt ở những vị trí trọng điểm khiến DK cảm thấy an tâm. Với Việt Nam, về lâu dài, việc thành lập lực lượng an ninh chuyên biệt để bảo vệ DK là cần thiết, tuy nhiên không phải muốn là làm được ngay. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trương Đăng Tuyến - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và DL cho biết: “Chúng tôi cũng đã từng nhận được ý kiến đề nghị cần thành lập lực lượng cảnh sát DL. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn của cả nước, không thể một địa phương muốn là làm được. Theo tôi biết, TP. Hồ Chí Minh cũng từng đề nghị thành lập lực lượng cảnh sát DL nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.…”. Ở Nha Trang - Khánh Hòa tuy chưa có lực lượng cảnh sát DL, nhưng đã có đội thanh niên xung kích để gìn giữ trật tự ở khu vực công viên và bãi biển dọc đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng. Thời gian gần đây, để làm lành mạnh môi trường DL, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc cấm người buôn bán hàng rong chèo kéo DK, yêu cầu khách sạn bán phòng cho khách theo đúng giá niêm yết (đã đăng ký)… UBND tỉnh Khánh Hòa cũng chỉ đạo đội thanh niên xung kích tăng cường quản lý công viên bờ biển, hạn chế tình trạng bán hàng rong, ngăn chặn tình trạng móc túi, cướp giật. Bên cạnh đó, lực lượng công an đã đẩy mạnh việc tấn công tội phạm, bảo vệ người dân và DK. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp DK bị cướp trình báo với cơ quan chức năng, công an đã nhanh chóng khoanh vùng, bắt được đối tượng, trả lại tài sản cho DK. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp DK gặp khó khăn khi trình báo với cơ quan chức năng những vấn đề họ gặp phải bởi họ không biết trụ sở của công an, khi trình báo lại gặp bất đồng về ngôn ngữ… Vì vậy, để nâng cao chất lượng công tác giữ gìn an ninh bảo vệ DK rất cần đến lực lượng chuyên biệt. Tuy nhiên đó là về lâu dài; trước mắt, để giữ gìn môi trường DL cần có sự chung tay của nhiều cơ quan chức năng, cũng như ý thức của những người làm DL. Ở mỗi Trạm Thanh niên xung kích cần có phần giới thiệu (tiếng Anh) nơi hỗ trợ cho khách DL. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ thanh niên xung kích hoạt động ở khu vực này, chẳng hạn như một ca trực phải có một người biết tiếng Anh để giao tiếp với DK, hướng dẫn DK những điều đơn giản nhất. 

XUÂN THÀNH