Là người tham gia đoàn công tác của tỉnh đi Hàn Quốc để khảo sát tình hình thực tế các nhà máy (NM) thép, NM nhiệt điện và công tác bảo vệ môi trường của Tập đoàn thép Posco...
Là người tham gia đoàn công tác của tỉnh đi Hàn Quốc để khảo sát tình hình thực tế các nhà máy (NM) thép, NM nhiệt điện và công tác bảo vệ môi trường của Tập đoàn thép Posco (Hàn Quốc), bà Nguyễn Thị Nở – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, nếu Posco áp dụng công nghệ mới như đã triển khai ở Hàn Quốc khi xây dựng NM thép, NM nhiệt điện tại Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong thì chúng ta có thể yên tâm về vấn đề bảo vệ môi trường và không bỏ lỡ những giá trị kinh tế mà dự án này sẽ mang lại. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, bà Nguyễn Thị Nở cho biết:
Trước khi sang Hàn Quốc, vấn đề chúng tôi quan tâm nhất là công tác bảo vệ môi trường của dự án, thế nên trong những ngày ở Hàn Quốc, theo đề nghị của đoàn công tác tỉnh Khánh Hòa, Posco đã đưa đoàn đi khảo sát tại các khu vực nhạy cảm về môi trường như: khu xử lý nước thải, khu bãi chứa nguyên liệu, khu chứa xỉ thải và khu vực đang san lấp lấn biển… Tất cả đều được họ kiểm tra, kiểm soát rất tốt. Bằng chứng là tại khu liên hợp, Posco xây dựng trung tâm quan trắc môi trường để theo dõi môi trường tại các phân xưởng sản xuất và cả khu liên hợp. Hệ thống này được nối mạng trực tiếp với Sở Môi trường địa phương để kiểm tra, phát hiện, xử lý ngay những vấn đề về môi trường phát sinh vượt ngưỡng cho phép. Các thông số quan trắc môi trường thu được đều đảm bảo tiêu chuẩn cho phép của Bộ Môi trường Hàn Quốc. Đáng chú ý, khu liên hợp sản xuất thép nằm cách khu dân cư thành phố Pohang chỉ 400m nhưng đường phố, môi trường xung quanh rất thoáng mát và sạch, cây cối tươi tốt, hoạt động nuôi trồng thủy sản diễn ra bình thường. Để có được điều này, Posco đã nghiên cứu thành công và áp dụng công nghệ mới Finex trong sản xuất thép. Với công nghệ này, nguyên liệu sản xuất (than cám và bột quặng sắt) khi nhập về được đưa từ tàu chở hàng lên bãi chứa nguyên liệu bằng dây chuyền kín; nguyên liệu tại bãi chứa được che chắn bằng các tấm phủ chuyên dụng (hoặc phun keo), sau đó theo băng chuyền kín đưa vào các lò luyện. Nhờ vậy, ít phát tán bụi, môi trường rất thông thoáng. Trong quá trình luyện thép, khí thải (CO) tại các lò luyện được thu hồi bằng các hệ thống ống thu gom để sử dụng làm khí đốt phát điện; một lượng nước sau khi xử lý được tái sử dụng cho việc làm mát máy móc, phần còn lại được thu gom về khu xử lý tập trung để xử lý qua các khâu lắng, lọc, nhờ đó hạn chế nước thải; xỉ thải theo đường ống chảy ra hoặc được vận chuyển đến các bãi chứa để sử dụng làm xi măng và đắp nền lấn biển…
Tôi đã từng đi tham quan các NM sản xuất thép ở Nhật, Úc…, nhưng phải công nhận với công nghệ Finex mà Posco đang áp dụng, thì Posco của Hàn Quốc tiên tiến vượt bậc. Nếu Posco áp dụng công nghệ Finex trong sản xuất thép tại KKT Vân Phong thì chúng ta có thể yên tâm về vấn đề bảo vệ môi trường. Nếu nói làm công nghiệp mà không gây ô nhiễm môi trường thì không đúng nhưng mức độ ô nhiễm như thế nào, hạn chế được tới đâu mới là điều quan trọng.
- P.V: Nhiều ý kiến nói rằng, với chính sách khuyến khích đầu tư như hiện nay thì trong những năm đầu, Khánh Hòa không thu được gì từ Posco. Bà nghĩ gì về điều này?
- Bà Nguyễn Thị Nở: Nói như thế không đúng. Theo luật hiện hành và theo chính sách khuyến khích đầu tư như hiện nay đều quy định rõ ràng nhà đầu tư được miễn loại thuế nào và phải nộp loại thuế nào. Nếu Posco được đầu tư vào Vân Phong thì trong thời gian triển khai xây dựng, chúng ta vẫn có nguồn thu từ thuế xây dựng, thuế thu nhập cá nhân của đội ngũ kỹ sư, cán bộ phía họ đưa sang để làm việc, bởi vì lương, thu nhập của họ rất cao. Còn khi NM đi vào hoạt động sẽ tạo nguồn thu rất lớn cho ngân sách, trong giai đoạn 1, mỗi năm, NM sẽ nộp ngân sách 4.000 tỷ đồng. Ngoài ra, NM sẽ tạo việc làm cho lao động địa phương, con em chúng ta sẽ được đào tạo nghề và học hỏi công nghệ mới… Nhưng quan trọng hơn, việc có thêm một NM thép sẽ đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng lớn của thị trường thép Việt Nam. Hiện nay, các NM thép trong nước vẫn phải nhập phôi thép về để sản xuất, mặt khác công suất sản lượng chưa cao, không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước, dẫn đến giá thép mấy năm gần đây cứ tăng cao. Tôi được biết, mỗi năm thị trường thép xây dựng vẫn thiếu khoảng 15 triệu tấn.
- P.V: Như vậy, bà đồng tình với việc thép và cảng đặt gần nhau?
- Bà Nguyễn Thị Nở: Khi làm việc với họ, tôi cũng có hỏi vì sao lại quyết định chọn Vân Phong mà không chọn vị trí khác. Tập đoàn Posco trả lời rằng vì nguyên liệu sản xuất thép họ phải nhập gần hết, nên cảng là vấn đề mấu chốt. Với công nghệ Finex mà họ đang áp dụng thì dây chuyền sản xuất hầu như khép kín, vì vậy phải có băng chuyền gần cảng mà Vân Phong là cảng nước sâu, đáp ứng đủ điều kiện cho công nghệ này. Nghe họ nói vậy, chúng tôi vẫn băn khoăn về vấn đề bảo vệ môi trường nhưng sau khi khảo sát thực tế, mắt thấy tai nghe, chúng tôi thực sự yên tâm. Ngoài ra, hiện nay, rất nhiều nơi trên thế giới, thép và cảng được xây dựng cạnh nhau và cùng phát triển. Tôi cũng như những người ủng hộ chủ trương xây dựng NM thép liên hợp ở Vân Phong đều cân nhắc, tính toán rất kỹ, làm sao thu hút được đầu tư để đem lại lợi ích kinh tế mà không ảnh hưởng đến môi trường, không phá vỡ quy hoạch của KKT Vân Phong. Vả lại, dự án NM thép nằm trong khu vực tiềm năng của cảng, nếu hết thời hạn hoạt động của NM thép theo đề nghị của Tập đoàn Posco là 50 năm thì lúc đó cảng trung chuyển mới phát triển hoàn chỉnh, chưa đụng chạm gì đến khu vực tiềm năng này. Chẳng lẽ chúng ta để đất đến 50 năm sau mới làm, đến lúc đó thì cơ hội đâu còn nữa…
- P.V: Xin cảm ơn bà!
LÊ NGUYÊN (Thực hiện)