Sáng 1-11, Ngân hàng Thế giới (WB) họp báo công bố việc Việt Nam đủ tin cậy về mặt tín dụng để tiếp cận nguồn tài chính mới của WB cho các nước có thu nhập trung bình...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tân Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại VN ngày 28-6-2007. Ảnh minh họa |
Ông Ajay Chhibber, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam cho rằng, hiệu quả sử dụng các nguồn vốn từ bên ngoài của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao.
Sáng 1-11, Ngân hàng Thế giới (WB) họp báo công bố việc Việt Nam đủ tin cậy về mặt tín dụng để tiếp cận nguồn tài chính mới của WB cho các nước có thu nhập trung bình.
Với quyết định này của WB, ngoài những khoản vay từ nguồn tài chính dành cho các nước có thu nhập thấp là Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) đang được hưởng, Việt Nam có đủ điều kiện để tiếp nhận tài chính từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển (IBRD). Nguồn vốn này nhằm giảm nghèo tại các nước có thu nhập trung bình và các nước đang phát triển nhưng có đủ độ tin cậy tín dụng, thông qua việc khuyến khích phát triển bền vững các khoản vay, bảo lãnh tín dụng, quản lý rủi ro...
Ông Ajay Chhibber, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam cho biết, những khoản vay từ IBRD có lãi suất thấp hơn so với các khoản vay thương mại tín dụng từ trước tới nay. Cũng theo ông Ajay Chhibber, Việt Nam đang tăng trưởng nhanh kéo theo nhu cầu vốn đầu tư ngày càng lớn và ông vui mừng khi thấy hiệu quả sử dụng các nguồn vốn từ bên ngoài của Việt Nam ngày càng được nâng cao. “Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng mong muốn và WB cam kết cung cấp cho Việt Nam những nguồn vốn với lãi suất thấp nhất có thể. Việt Nam cũng nên tận dụng những nguồn vốn này để phát triển nhanh và bền vững trong tương lai”, ông Ajay Chhibber nói.
Theo ông Ajay Chhibber, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có rất nhiều quốc gia đã và đang tiếp cận các nguồn tín dụng từ IBRD, như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia... Gia nhập nhóm này, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác đã từng sử dụng IBRD.
Quyết định về việc Việt Nam đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn này được đưa ra dựa trên quá trình phân tích tài chính khá toàn diện của một nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới. Nhóm nghiên cứu đã phân tích các dịch vụ tài chính, mức độ tin cậy tín dụng của Việt Nam khi tiếp cận những khoản vay thương mại và nhiều yếu tố khác, đồng thời đảm bảo rằng Việt Nam có khả năng chi trả các khoản vay này.
Theo WB, Việt Nam đã là một khách hàng lớn của IDA kể từ năm 1993, khi đó tỷ lệ người nghèo là 58% dân số. Đến năm 2004, tỷ lệ người nghèo đã giảm xuống dưới 20%. GDP bình quân đầu người đã tăng nhanh, từ dưới 200USD/người vào năm 1993 đến 835 USD/người năm 2007.
Theo TP