10:11, 19/11/2007

Trồng cây sưa: Coi chừng mua nhầm giống!

Cây sưa còn gọi là cây hương đàn, cây huê (tên khoa học là Dalbergia tonkinensis Prain, thuộc họ đậu), là loài cây quý hiếm, xếp vào nhóm IA. Do giá trị kinh tế cao, những năm gần đây...

Cây sưa đang được người dân quan tâm gây trồng.

Cây sưa còn gọi là cây hương đàn, cây huê (tên khoa học là Dalbergia tonkinensis Prain, thuộc họ đậu), là loài cây quý hiếm, xếp vào nhóm IA. Do giá trị kinh tế cao, những năm gần đây, nhiều người đua nhau săn tìm cây giống để trồng.

° MỘT LOÀI CÂY QUÝ HIẾM

Hiện nay, sưa còn được tìm thấy ở nhiều nơi như: Hà Nội, chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Tây), Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Ninh Bình… Ở phía Nam, rừng sưa tự nhiên có ở một số tỉnh như: Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Nai. Gỗ sưa rất đẹp, lõi to, cứng, màu nâu đỏ, nâu thẫm hay nâu đen, thớ mịn, không sợ mối mọt. Gỗ sưa có thể dễ bị nhầm lẫn với các loài cây gỗ khác như: trắc thối, hương, huỳnh đàn… Từ xưa, người dân đã biết dùng gỗ sưa để làm đồ gia dụng như: giường, tủ, bàn thờ… Ngày nay, sưa được làm đồ mỹ nghệ cao cấp xuất khẩu (chạm, khắc, khảm…). Giá gỗ sưa rất đắt, năm 2006 có giá 500.000đ/kg gỗ lõi, tính ra 1m3 có giá trị tương đương 500 triệu đồng. Thử so sánh, một chiếc giường kiểu mới, hình quả núi làm bằng gỗ lát hiện có giá 1 triệu đồng, nếu bằng gỗ sưa thì giá cao gấp 75 lần! Một chiếc khay đựng chén uống chè kích thước 35x45cm, đáy hình nan, nặng 300g, có giá xuất khẩu 1,6 triệu đồng! Hiện nay, người ta mua gỗ sưa từ 7 tuổi trở lên, đường kính lõi trên 9cm, có giá từ 300 - 500 ngàn đồng/kg. Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, cây sưa sau 10 năm trồng có thể bán được với giá 20 triệu đồng/cây. Cây sưa có giá trị cao như vậy vì ngoài những đặc điểm ưu việt của gỗ sưa (đẹp, tốt, không mối mọt…), nó còn có tác dụng khác. Nhiều người cho rằng, sưa đắt bởi yếu tố tâm linh, gỗ sưa được xuất khẩu sang các nước Hồi giáo (Iran, Iraq, Ả rập…) để ướp xác (?)

° ĐÂU LÀ GIỐNG ĐÚNG NGUỒN GỐC?

Cây sưa có giá trị cao như vậy nên hiện nay nhiều người đang đổ xô đi tìm mua cây giống. Nếu không cẩn thận có thể họ sẽ bị nhầm sang nhiều loài cây giống khác, hiện có bán trên thị trường. Theo Kỹ sư (KS) Nguyễn Thanh Phương, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm (KNKL) Khánh Hòa: Sưa là cây gỗ trung bình, cao 15 - 18m, sinh trưởng nhanh, đặc biệt từ năm thứ 3 cây vươn cao 4 - 5m và uốn cong như cần câu, sau đó sang năm thứ 4 thì vươn thẳng trở lại. Nếu trồng có đầu tư, chăm sóc thì sau 10 năm đường kính có thể đạt 25cm, lõi đạt 10-13cm. Lá kép hình lông chim, một lần lẻ, dài 8-20cm, có 7 - 17 lá chét mọc cách, hình bầu dục, đầu nhọn, gốc hình tròn. Cuống lá ngắn 3 - 4mm. Hoa tự chùy ở nách lá, đài hoa hình chuông. Quả đậu, hạt hình thận. Còn theo ông Nguyễn Văn Bình, một nông dân ở Cam An Bắc, Cam Lâm hiện đang trồng 200 cây sưa: Sưa hầu như không có tán nên không cạnh tranh ánh sáng với các cây trồng khác như: xoài, điều… có thể trồng ven vườn nhà, đường đi hoặc trồng rừng. Do tán ít nên có thể xen canh với các cây trồng khác, từ cây ngắn ngày đến dài ngày. Trồng sưa xem như “của để dành”, đầu tư nhẹ, dễ chăm sóc.

Vấn đề là làm thế nào để mua được cây sưa giống đúng nguồn gốc? Theo KS Phương, hiện ông Nguyễn Văn Trung (Tiên Lộng, Hoàng Hoa, Tam Dương, Vĩnh Phú), một KS lâm nghiệp là người đầu tiên nhân giống cây sưa ra trồng đại trà. Đây là khu rừng của Tỉnh ủy Vĩnh Phú nằm ở vĩ độ 21o18’16”, kinh độ 105o35’42”, có độ cao trên mực nước biển 50m. Hiện ông Trung đang sản xuất cây con giống phục vụ nhu cầu trồng đại trà của bà con (giá dao động từ 8 - 12 ngàn đồng/cây) và được Nhà nước công nhận quyền sở hữu. Do nhu cầu của nhân dân, để tránh mua nhầm giống, những năm qua, trên địa bàn tỉnh, nhiều đơn vị chức năng làm trung gian chuyển cây giống về cho bà con trồng thử như: Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm KNKL Khánh Hòa… Cũng theo KS Phương, Trung tâm nhận cây giống từ cơ sở của ông Trung, đến nay đã đưa về hơn 13 ngàn cây giống, cung cấp cho nông dân nhiều nơi trong tỉnh như: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Ninh Hòa. Hiện bà con đang trồng thử nghiệm ở một số diện tích ven nhà và cây sưa đang phát triển tốt. Trung tâm đang có kế hoạch đưa làm thí điểm 1 - 2 ha cây sưa vào mô hình khuyến lâm năm 2008. KS Phương cũng cảnh báo: Cây sưa không phải là cây hoàng đàn (Cupressus torulosa) thuộc họ hoàng đàn (Cupressaceae) như một số người lầm tưởng khi gây trồng hoặc mua bán hiện nay.

QUANG VIÊN


KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY SƯA

Trong điều kiện trồng rừng tập trung, cần chuẩn bị đất trước thời gian trồng 3 tháng. Làm tốt các công việc sau: Phát dọn và đốt thực bì; đào hố quy cách 40x40x40cm, cần phơi ải ít nhất 2 tháng rồi lấp hố, đưa đất mặt xuống trước, đất dưới xuống sau; bón phân: trộn đất mặt với 2 - 3kg phân chuồng hoai, 30 - 50g NPK, 0,1kg super lân, cho vào 2/3 hố trộn đều trước khi trồng; lấp hố đầy miệng 15 ngày trước khi trồng.

Thời vụ trồng: Thích hợp nhất là đầu mùa mưa, ngày râm, trời mát. Mật độ: trồng tập trung 1.100 cây/ha (quy cách 3x3m); trồng xen thì trồng theo hàng, cây cách cây 2,5m.

Trồng cây: Di chuyển nơi xa đến cần bảo quản trong bóng râm và tưới nước để cây phục hồi 7-10 ngày mới trồng, trồng theo hình nanh sấu để cây quang hợp và phát triển tán đồng đều; khi trồng xé nhẹ bầu, tránh làm vỡ đất trong bầu, đặt cây ngay ngắn rồi lấp đất đều, lèn chặt. Vun đất quanh gốc cao hơn 4 - 5cm đất tự nhiên để tránh đọng nước. Sau 2 - 3 tuần, kiểm tra, chỉnh sửa cây nghiêng, trồng dặm cây chết.

Chăm sóc: Năm đầu chăm sóc 2 - 3 lần, gồm dãy cỏ, xới đất bán kính 50 - 60cm quanh gốc, phát dọn thực bì và tra dặm cây con; năm 2: chăm sóc 1 - 2 lần, xới xáo đất bán kính 0,8m quanh gốc, phát dọn thực bì chèn ép. Cùng với chăm sóc lần đầu, bón thúc mỗi gốc 20 - 30g NPK; năm 3 chăm sóc 1 lần, chủ yếu là phát dọn thực bì chèn ép. Nếu trồng trong vườn nhà, năm đầu cần che đậy cây con và tưới nước chống hạn.

Tuổi thành thục tự nhiên của cây sưa rất dài, hàng chục năm. Tuổi thành thục công nghệ (thương mại) là 10 năm.

Q.V