05:07, 02/07/2005

Miền Trung: Nóng bỏng thị trường nguyên liệu giấy

Nhiều năm qua tình trạng các nhà máy cạnh tranh nhau trong việc thu mua nguyên liệu dăm bạch đàn để sản xuất giấy tại khu vực miền Trung diễn ra liên tục. Đến thời điểm này, tình hình...

Ảnh minh họa.

Nhiều năm qua tình trạng các nhà máy cạnh tranh nhau trong việc thu mua nguyên liệu dăm bạch đàn để sản xuất giấy tại khu vực miền Trung diễn ra liên tục. Đến thời điểm này, tình hình không những không được cải thiện mà xem ra còn gay gắt hơn.

Tại sao có tình trạng này?.

Có thể nói, với tỷ suất lợi nhuận đạt trên 10%, ngành sản xuất và xuất khẩu dăm gỗ hiện nay đang được coi là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Bởi thế, nên tại khu vực miền Trung, nơi có tới 17 nhà máy chế biến dăm lớn, nhỏ đang hoạt động, thời gian tới sẽ có khoảng 3, 4 nhà máy tiếp tục ra đời.

Do cầu vượt cung nên để duy trì sản xuất, các nhà máy đã cạnh tranh quyết liệt trong việc thu mua nguyên liệu, dẫn đến tình trạng khai thác không cần chọn lựa, bất chấp những cánh rừng chưa đến tuổi, làm cho chất lượng nguyên liệu không đảm bảo, giảm sút lòng tin đối với khách hàng.

Đặc biệt, tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh đã khiến giả cả bị đẩy lên vô tội vạ. Năm 2004 trở về trước, bình quân mỗi năm, giá nguyên liệu đầu vào chỉ tăng 10%, với mức giá dao động từ 380.000 - 470.000 đ/tấn, những tháng đầu năm 2005, con số này đã được tăng lên 500.000 - 550.000 đ/tấn. Thậm chí tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, giá thu mua lên tới 570.000 đ/tấn. Theo giải thích của ông Nguyễn An Điềm - Tổng Giám đốc PISICO (doanh nghiệp hiện đang là cổ đông trong nhiều nhà máy chế biến dăm), mặc dù giá đầu vào tăng cao nhưng các nhà máy vẫn tồn tại được và có lợi nhuận là nhờ đầu ra không đến mức bi đát. Tuy nhiên, lợi thế này sẽ không được duy trì lâu, khi 2 nhà máy giấy của Trung Quốc - khách hàng lớn nhất hiện nay đang phải trải qua giai đoạn sản xuất ban đầu không hiệu quả. Rất có thể sắp tới, mặc dù nhu cầu vẫn còn lớn nhưng giá xuất khẩu tối đa cho sản phẩm nguyên liệu dăm sẽ không thể vượt ngưỡng 100 USD/ tấn. Theo tính toán, với giá thu mua hiện nay 97 - 99 USD/tấn, tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy bình quân đạt khoảng 7% doanh thu xuất khẩu. Nhưng nếu giá nguyên liệu từ nay đến cuối năm không được kiểm soát thì sẽ lỗ bình quân 30.000 đ/tấn. Hoặc nếu giá xuất khẩu không tăng, nhưng giá nguyên liệu vẫn tăng 10%, ở mức 630.000 đ/tấn thì lợi nhuận lúc này cũng bằng không. Như vậy, có thể nói, việc định giá nguyên liệu đầu vào là yếu tố sống còn của các nhà máy hiện nay.

Mới đây tại thành phố Quy Nhơn, lãnh đạo các nhà máy sản xuất dăm khu vực miền Trung đã nhóm họp để tìm giải pháp khắc phục. Theo đó, một văn bản thỏa thuận hợp tác sản xuất - xuất khẩu giữa các nhà máy đã được duy trì theo cơ chế một giá trần, trên cơ sở bảo đảm lợi nhuận hợp lý từ 570.000 - 575.000 đ/tấn. Không một nhà máy nào được đơn phương tăng giá mua, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh.

Từ nay trở đi, hàng năm, các nhà máy cam kết thống nhất kế hoạch hành động cân đối giữa nhu cầu nguyên liệu và sản lượng hàng hóa của mình và giao cho Tổng công ty PISICO làm đầu mối đứng ra đàm phán, ký kết trực tiếp với khách hàng lớn, sau đó phân bổ lại cho các nhà máy phù hợp với năng lực và tiến độ sản xuất. Về lâu dài, các nhà máy cho rằng, giải pháp "hạ nhiệt" bền vững là đầu tư trồng rừng, tạo nguồn nguyên liệu chủ động.

Theo VOV