10:07, 02/07/2019

Du lịch biển Khánh Hòa - một vài suy nghĩ

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Báo Khánh Hòa mở chuyên mục: "Nha Trang - Khánh Hòa trong mắt bạn bè" nhằm ghi nhận các ý kiến đóng góp của người dân và du khách đối với hoạt động du lịch của tỉnh. 

L.T.S: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Báo Khánh Hòa mở chuyên mục: “Nha Trang - Khánh Hòa trong mắt bạn bè” nhằm ghi nhận các ý kiến đóng góp của người dân và du khách đối với hoạt động du lịch của tỉnh. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, các sở, ngành, địa phương liên quan sẽ tổng hợp, tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo hoạt động du lịch của tỉnh phát triển đúng định hướng và hiệu quả hơn. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về hộp thư: toasoan.bkh@gmail.com.

Du lịch biển từ lâu đã là một thế mạnh của Khánh Hòa. Những năm gần đây, các vùng biển mới được khai thác làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch biển. Việc phát triển cơ sở hạ tầng du lịch đã giúp tỉnh thu hút được thêm nhiều lượt du khách đến với Khánh Hòa. Tuy nhiên, với thực trạng phát triển du lịch chưa đồng bộ, Khánh Hòa đã và đang đối mặt với nhiều tồn tại hạn chế. Hiện nay, tình trạng kẹt xe đã bắt đầu trở thành vấn nạn của một thành phố từng được xem là bình yên, thanh tĩnh. Trong khi số lượng phòng lưu trú tăng nhanh, thì không gian, môi trường và các dịch vụ du lịch lại chưa được đầu tư tương xứng. Nhận định về du lịch Khánh Hòa “thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi” là hoàn toàn đúng thực tế.

 


Du lịch biển đảo đang bị khai thác quá mức


Hiện nay, thị phần khách đến Nha Trang - Khánh Hòa chọn tour biển đảo chiếm hơn 80%. Điều đáng nói là thị phần này bị khai thác quá mức dẫn đến quá tải. Vào các ngày lễ, Tết hoặc cuối tuần, các cảng, bến tàu đều đông nghịt du khách. Khách phải chen lấn từng bước để xuống tàu thuyền. Thực tế, hiện nay các điểm du lịch biển đảo ở Khánh Hòa đang phải “gồng mình” để đón khách. Chỉ tính riêng 4 điểm đảo, mỗi ngày phải đón hàng nghìn lượt khách. Nhiều khi khách ra đến nơi vì quá đông phải quay về. Việc khai thác quá mức như hiện nay sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Khách đến mà cơ sở du lịch không đáp ứng được các nhu cầu thiết yếu sẽ khiến khánh không hài lòng. Dần dần, hình ảnh về du lịch biển đảo sẽ bớt đẹp trong mắt du khách. Số khách quay trở lại ít dần.


Bên cạnh đó, môi trường biển hiện nay đang bị ô nhiễm, một phần vì khai thác du lịch quá mức. Điển hình như vịnh Nha Trang, nhiều rạn san hô đang nguy cấp vì ô nhiễm, gãy đổ nhiều nơi. Khảo sát mới nhất về vịnh Nha Trang cho thấy, có đến 45% san hô biến mất so với 10 năm trước. Nhiều địa phương lấn biển, xây công trình kiên cố khiến môi trường biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng…

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa



Cần chiến lược và đa dạng hóa sản phẩm


Tôi cho rằng, để phát triển bền vững, du lịch Khánh Hòa cần phải thực hiện 3 giải pháp lớn, đó là: tập trung nâng cao năng lực quản lý điểm đến, đảm bảo chất lượng dịch vụ; tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành, liên kết doanh nghiệp để từ đó tạo ra hệ sinh thái du lịch, tạo môi trường du lịch hấp dẫn; nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, đặc biệt là đội ngũ kỹ năng làm nghề phổ thông.


Chỉ có liên kết mới hạ được giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút du khách; tạo ra hệ sinh thái du lịch mới có nhiều điểm đến tốt, nhiều khách sạn tốt, nhiều điểm mua sắm tốt, góp phần giúp du lịch Khánh Hòa có thương hiệu đủ mạnh để thu hút du khách quay trở lại nhiều hơn.


Tuy nhiên, hiện nay thị trường du lịch Khánh Hòa đang phụ thuộc quá sâu vào thị trường khách Trung Quốc và khách Nga. Có thể đây là một trong những vấn đề nan giải của các nhà quản lý. Với số lượng du khách Trung Quốc ồ ạt đến Khánh Hòa hiện nay, Khánh Hòa sẽ khó hơn trong việc thu hút thị trường du khách Tây Âu, Bắc Mỹ… Vì vậy, đồng thời với đa dạng hóa sản phẩm du lịch, Khánh Hòa cần phải có chiến lược tiếp thị khôn ngoan, quản lý điểm đến một cách thông minh để phân luồng khách, tránh sự xung đột giữa các nhóm khách khác nhau, để vùng đất xứ trầm, biển yến luôn mang sức hấp dẫn, quyến rũ giữ chân du khách đến, níu lòng du khách đi.


Tiến sĩ Phạm Mỵ
(Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường)