10:08, 16/08/2022

Hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch: Cần được quan tâm

Sản phẩm lưu niệm là một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến hiệu quả. Tuy nhiên, cho đến nay, việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch ở Nha Trang - Khánh Hòa còn nhiều hạn chế.

Sản phẩm lưu niệm là một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến hiệu quả. Tuy nhiên, cho đến nay, việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch ở Nha Trang - Khánh Hòa còn nhiều hạn chế.


Ít mặt hàng hấp dẫn


Mở cửa đón khách sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, Làng nghề Trường Sơn (TP. Nha Trang) đã tập trung sản xuất hàng lưu niệm để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách. Hiện tại, Làng nghề Trường Sơn bày bán nhiều mặt hàng lưu niệm như: Tượng gốm, tranh cát, nhạc cụ bằng tre nứa, chuông gió bằng nhôm, túi xách có thêu tranh thư họa của họa sĩ Lê Vũ, tranh in thư họa chân dung của họa sĩ Lê Vũ… Nhiều du khách đến đây rất thích thú khi xem những mặt hàng lưu niệm được sản xuất thủ công ngay tại làng nghề, không ngại chi tiền mua làm quà tặng người thân hoặc để kỷ niệm chuyến du lịch.

 

Du khách xem hàng lưu niệm ở Làng nghề Trường Sơn.

Du khách xem hàng lưu niệm ở Làng nghề Trường Sơn.


Ông Lê Văn Luật - Chủ đầu tư Làng nghề Trường Sơn cho biết: “Chúng tôi đầu tư làng nghề với mong muốn giới thiệu tới du khách nét độc đáo của các nghề truyền thống của Khánh Hòa. Đồng thời, làng nghề cũng muốn phát triển sản xuất quà tặng lưu niệm để đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách, tạo nguồn thu và công ăn việc làm cho các nghệ nhân, nhân viên làng nghề. Việc bán các mặt hàng lưu niệm mang tính đặc trưng của địa phương cũng góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa Nha Trang - Khánh Hòa đến với du khách trong nước và quốc tế”.


Tuy nhiên, Làng nghề Trường Sơn chỉ là đại diện ít ỏi quan tâm đầu tư nghiêm túc, tâm huyết cho việc phát triển thị trường sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, phần lớn điểm tham quan thiếu vắng sản phẩm lưu niệm có tính đặc trưng, độc đáo. Các gian hàng bán đồ lưu niệm ở chợ đêm Nha Trang rất ít mặt hàng đặc trưng địa phương, chủ yếu vẫn là những bức tượng cô gái mặc áo dài đội nón lá, móc khóa mica in hình các danh thắng của Nha Trang, còn lại là những mặt hàng quen thuộc như: túi, ví, quần áo, gương, lược… có thể tìm thấy ở bất kỳ điểm du lịch nào ở Việt Nam.


Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Đức Tấn - Tổng Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam (chuyên khai thác thị trường khách Nga) cho rằng, trên thế giới việc kinh doanh mặt hàng lưu niệm để phục vụ du khách rất phát triển; trong khi tại Khánh Hòa, hàng lưu niệm rất đơn điệu, quá ít mặt hàng có tính đặc trưng văn hóa địa phương. Khách du lịch Nga đến Nha Trang chủ yếu mua trà, cà phê làm quà tặng chứ rất ít mua hàng lưu niệm. Các doanh nghiệp chuyên phục vụ đón khách du lịch tàu biển quốc tế cũng cho rằng, ngành du lịch Khánh Hòa chưa khai thác được nhu cầu mua sắm hàng lưu niệm của du khách quốc tế khi đến Nha Trang.


Cần đầu tư mẫu mã và mở rộng kênh bán hàng


Điều tra của Tổng cục Thống kê, khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa chi tiêu cho mua sắm chỉ 16 USD/người/ngày, thấp nhất cả nước. Một trong những nguyên nhân là do sản phẩm lưu niệm còn đơn điệu nên chưa kích thích được nhu cầu mua sắm của khách. Bên cạnh đó, Khánh Hòa cũng chưa có các điểm bán hàng lưu niệm đủ lớn để thu hút du khách.


Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Vấn đề phát triển hàng lưu niệm để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách là một hạn chế của du lịch Khánh Hòa. Tuy nhiên, để tìm được giải pháp khắc phục không đơn giản. Thực tế cho thấy, Khánh Hòa không có nhiều làng nghề truyền thống để phát triển các đồ lưu niệm từ hàng thủ công mỹ nghệ. Trên địa bàn tỉnh cũng chưa có những công trình mang tính biểu tượng để các cơ sở sản xuất hàng lưu niệm dựa theo đó để sản xuất như Hà Nội có Tháp rùa, Huế có hình Ngọ Môn, cầu Tràng Tiền…


Theo những người có kinh nghiệm làm du lịch, tỉnh cần có chính sách khuyến khích, ưu tiên cho các cơ sở sản xuất những sản phẩm góp phần quảng bá được hình ảnh của Nha Trang - Khánh Hòa. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa nhà sản xuất với các công ty du lịch, khách sạn để quảng bá và bày bán sản phẩm; phải có thị trường tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn mới có nhà đầu tư sản xuất. Muốn vậy, bên cạnh các cửa hàng bán đồ lưu niệm, phải đưa hàng lưu niệm vào các khách sạn, khu nghỉ dưỡng để tiếp thị với du khách. “Không phải du khách nào cũng có điều kiện đến các điểm tham quan, mua sắm để mua hàng lưu niệm. Chính vì vậy, ngành du lịch cần kêu gọi, phát động các khách sạn bán quà lưu niệm phục vụ du khách. Đấy không chỉ là vấn đề lợi nhuận mà còn là cách quảng bá du lịch Nha Trang - Khánh Hòa hữu hiệu…”, anh Trần Đức Tài - hướng dẫn viên du lịch bày tỏ.


THÀNH NGUYỄN