11:03, 20/03/2017

Đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển vùng duyên hải miền Trung

Ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Trưởng ban điều phối vùng duyên hải miền Trung vừa có đề án gửi Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng đề xuất mô hình tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển vùng duyên hải miền Trung và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển cho vùng này.

Ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, Trưởng ban điều phối vùng duyên hải miền Trung vừa có đề án gửi Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng đề xuất mô hình tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo (BCĐ) phát triển vùng duyên hải miền Trung và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển cho vùng này.


Cần nâng cao vai trò của Ban điều phối


BCĐ phát triển vùng duyên hải miền Trung (gọi tắt là BCĐ Vùng) được hình thành từ năm 2011 với cơ cấu gồm Bí thư Đảng bộ của 7 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa. Sau đó, BCĐ Vùng thêm 2 thành viên là Ninh Thuận và Bình Thuận.

 

Du lịch Nha Trang sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nếu các chính sách phát triển vùng duyên hải miền Trung có sự đồng bộ
Du lịch Nha Trang sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nếu các chính sách phát triển vùng duyên hải miền Trung có sự đồng bộ


Theo đánh giá của ông Lê Thanh Quang, mặc dù theo tinh thần tự nguyện, chưa có tính ràng buộc về pháp lý, nhưng những năm qua, liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong vùng nói riêng và cho toàn khu vực nói chung. Tuy nhiên, việc liên kết kinh tế giữa các tỉnh, thành phố trong vùng duyên hải miền Trung chưa thể hiện được hiệu ứng rõ nét, hiệu quả đạt được còn khiêm tốn. Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung chỉ mới cung cấp một hình mẫu gợi ý về thể chế phát triển vùng ở Việt Nam, chưa đủ định hình chắc chắn, được đảm bảo và hỗ trợ bằng các thể chế và chính sách chính danh quốc gia. Điều này dẫn đến các hoạt động liên kết phát triển còn mang tính hình thức, thiếu thống nhất về thể chế chính sách.


Theo đề xuất của Trưởng ban điều phối vùng duyên hải miền Trung, thời gian tới, BCĐ Vùng cần hoàn thiện cơ chế điều phối, nâng cao vị trí, vai trò của Ban Điều phối vùng trong việc tham gia các chủ trương, chính sách phát triển vùng và định hướng phát triển các địa phương trong vùng. Bên cạnh đó, cần sớm triển khai xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng nhằm xác định các mục tiêu trọng điểm, các dự án cần ưu tiên đầu tư để phát triển vùng và từng địa phương. Chiến lược này sẽ được trình lên các cơ quan Trung ương và kiến nghị Chính phủ giúp đỡ vấn đề thu hút đầu tư của từng địa phương, tránh sự chồng chéo.


“Yêu cầu đặt ra là phải xây dựng một mô hình tổ chức và hoạt động của Ban điều phối vùng không mang tính chất của cơ quan hành chính nhà nước, nhưng lại là một tổ chức của các Đảng bộ địa phương trong vùng, có nhiệm vụ định hướng bộ máy hành chính các cấp tư duy hợp tác, liên kết phát triển trong quản lý kinh tế, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho doanh nghiệp và đóng vai trò trung gian trong việc kiến nghị với Trung ương cơ chế chính sách, thúc đẩy sự phát triển toàn vùng”, ông Lê Thanh Quang nhấn mạnh.


Đề xuất 6 nhóm chính sách


Từ thực tiễn hoạt động của Ban điều phối Vùng trong 5 năm qua, đồng chí Lê Thanh Quang đề xuất với Bộ Chính trị và Ban Bí thư 6 nhóm chính sách để tạo bước phát triển đột phá cho cả vùng duyên hải miền Trung.


Thứ nhất, sẽ phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung nghiên cứu vận dụng các quy định liên quan đến hình thức đối tác công - tư (PPP). Việc này nhằm cải thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là đầu tư xây dựng đường cao tốc xuyên vùng. Trên cơ sở quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải về đường cao tốc Bắc - Nam, các địa phương liên kết hợp tác kêu gọi đầu tư, chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, phân đoạn dự án đầu tư. Các đoạn Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận mỗi đoạn dài khoảng 70 - 100km, sẽ đầu tư theo hình thức PPP.


Thứ hai, là chính sách và cơ chế khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch vùng. Hiện nay, các địa phương vẫn mạnh ai nấy làm nên dẫn đến rời rạc, chưa có chính sách phát triển đồng bộ. Vì vậy, đề nghị Tổng cục Du lịch với vai trò là nhạc trưởng cùng với các địa phương trong vùng có tiềm năng du lịch xây dựng cơ chế, chính sách phát triển chung, đưa hoạt động du lịch mang tính chuyên nghiệp, khắc phục các yếu kém hiện nay.


Thứ ba, là chính sách ưu đãi đầu tư phải đủ mạnh, tạo làn sóng đầu tư mạnh mẽ cho cả vùng. Chính sách này nên tập trung vào giá thuê đất và thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đề xuất chính sách đồng bộ giải quyết sự tồn tại lâu đời của các vùng cư dân ven biển; mở rộng phân cấp, phân quyền cho địa phương; nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch kinh tế - xã hội của vùng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045.


Ông Lê Thanh Quang kiến nghị: Bộ Chính trị và Ban Bí thư thống nhất chủ trương và giao cho Đảng đoàn Quốc hội ban hành nghị quyết chấp thuận một số cơ chế chính sách thúc đẩy sự phát triển của vùng duyên hải miền Trung; Ban Cán sự Đảng Chính phủ có quyết định công nhận BCĐ Vùng, kèm theo điều lệ, nhân sự và tổ chức; Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với BCĐ Vùng nghiên cứu xây dựng một số cơ chế, chính sách như 6 nhóm đề xuất trong đề án.


VĂN KỲ