Cuối năm, gọi điện về quê hỏi thăm chuyện chuẩn bị Tết, chú tôi bảo: "Mọi thứ ổn, nếp, đậu có sẵn rồi, còn thịt thì năm nay chú chia heo của nhà cô Năm bên cạnh". Nói rồi chú cười hì hì, đọc: "Số cô không giàu thì nghèo/Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà…". Nghe chú nhắc đến câu ca dao, lòng tôi bất chợt rạo rực, nhớ đến những hình ảnh thật khó quên gắn liền với việc mổ heo chia thịt, ăn Tết nơi quê nhà…
Cuối năm, gọi điện về quê hỏi thăm chuyện chuẩn bị Tết, chú tôi bảo: “Mọi thứ ổn, nếp, đậu có sẵn rồi, còn thịt thì năm nay chú chia heo của nhà cô Năm bên cạnh”. Nói rồi chú cười hì hì, đọc: “Số cô không giàu thì nghèo/Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà…”. Nghe chú nhắc đến câu ca dao, lòng tôi bất chợt rạo rực, nhớ đến những hình ảnh thật khó quên gắn liền với việc mổ heo chia thịt, ăn Tết nơi quê nhà…
Tập quán đượm tình làng, nghĩa xóm
Thịt là thức ăn không thể thiếu trong ngày Tết ở đa phần các gia đình, và từ lâu, cũng như nhiều vùng quê khác, tại quê tôi, việc người dân hùn hạp lại, mổ heo chia nhau ngày Tết đã trở thành một tập quán quen thuộc. Để có heo tốt, từ nhiều tháng trước Tết, một số gia đình ở các thôn xóm bắt đầu nghĩ đến việc nuôi heo để chia nên chọn và chăm sóc heo rất kỹ lưỡng. Muốn thịt được ngon và thơm, nhiều nạc, người ta chỉ cho heo ăn cám gạo, cám bắp cùng chuối cây, rau xanh, nơi có điều kiện, còn thả heo chạy rông trong vườn cho thịt săn chắc. Chừng tháng Mười, nhiều nhà chưa có thịt Tết bắt đầu thăm dò, đặt hàng, đăng ký với các gia đình có nuôi heo để chia phần. Tùy theo heo lớn hay nhỏ, tùy theo khả năng tiêu thụ của mình, gia đình này nhận chia nửa con, gia đình kia chia một đùi (1/4 con) hay ít hơn… Giá một con heo Tết bao nhiêu thường do chủ nuôi và những người chia phần thỏa thuận rồi quyết định, nhưng thông thường thịt luôn rẻ hơn ngoài chợ, chưa kể còn có thêm phần xương, phần lòng. Có không ít trường hợp con đông, đồng tiền tháng Chạp eo hẹp, lấy thịt rồi mà chưa đủ trả cho chủ, người ta đành khất ra Giêng, hoặc hẹn mùa tới đong lúa thay tiền.
Cận Tết, nhất là các ngày 29, 30, khi hoa vạn thọ, hoa mai, thược dược rực rỡ sắc màu ở các sân, vườn, khi mùi thơm của các loại bánh mứt lan tỏa khắp làng trên xóm dưới, người ta bắt đầu mổ heo. Chỗ này, các chị tất bật nhóm lửa, nấu nước sôi, vót nan tre để xâu thịt, chỗ kia mấy thanh niên hỗ trợ nhau trong mổ heo. Chẳng mấy chốc, thịt đã bày đầy ra trên chiếc nong to lót lá chuối đặt ở giữa sân trong tiếng trò chuyện râm ran. Đối với bọn trẻ con, ngày mổ heo là một ngày vui trong năm. Đứa nào cũng lăng xăng, lúc bên nong thịt, khi bên nồi nước luộc lòng heo đang sôi sùng sục, bốc mùi thơm phức, chờ đợi nhà mình được chia phần để mang về. Có khi được cho cái bong bóng heo, mấy đứa xúm lại, lấy cọng đu đủ chọc vào rồi thổi thành quả bóng để đá…
Những hình ảnh khó quên
Chia heo ngày Tết không chỉ tiết kiệm so với việc mua thịt ngoài chợ, mà đây còn là tập quán đượm tình làng, nghĩa xóm, tạo nên không khí vui vẻ, sum vầy ở làng quê trong ngày xuân. Cả khi mang thịt về nhà chế biến cũng có bao kỷ niệm khó quên. Ở nhà tôi, lúc có thịt heo, mẹ thường phân loại, thứ để luộc, thứ để làm nhân gói bánh, thứ hon với đường hay kho tàu với trứng vịt, thứ để xào với các loại rau, củ…, riêng xương thì để nấu với măng. Có một món để cha mời khách uống rượu Tết mà mẹ tôi năm nào cũng không quên, đó là món nem chua. Để làm món này, thịt nạc thường được mẹ chọn loại ngon nhất, thái nhỏ và mỏng, đập mềm, ướp kỹ với tiêu, tỏi, ớt, muối, rồi quấn quanh bằng lá đinh lăng non, trước khi dùng lá chuối để gói bên ngoài. Mỗi cái nem chỉ to bằng ngón tay cái, làm xong vài ngày, mở ra có mùi thơm rất riêng và ăn rất ngon. Không chỉ để tiếp khách, món nem này đôi lúc được cha tôi dùng mấy chiếc kèm theo chai rượu trắng để làm quà biếu cho người mình mang ơn trong dịp đầu xuân.
Sau bữa cúng tất niên, từ nem, thịt luộc đến các món khác đều được mẹ bảo chị tôi treo lên giàn bếp cẩn thận. Ai chưa từng sống ở các vùng quê ngày xưa, nghe mấy chữ “thịt treo trong nhà” chắc chẳng hiểu tại sao phải treo. Đơn giản là ngày xưa không có tủ lạnh như bây giờ, thịt chia về phải chế biến ngay rồi sau đó treo lên để chó, mèo khỏi đụng vào. Người dân quê hay dùng mây thắt những gióng nhỏ để treo các thức ăn. Nhà tôi cũng vậy, có loại gióng mẹ dùng để treo cái rổ đựng thịt heo luộc, có loại dùng để treo nồi thịt kho…
Ở quê tôi có câu “Dù nghèo đến mấy thì nghèo/Ngày Tết phải có thịt treo trong nhà”. Hình ảnh thịt treo biểu thị cho sự ấm no, hạnh phúc. Đối với đám con nít, trong mấy ngày Tết, sau khi vui chơi hay đi xem người ta hát bội, bài chòi… trở về, đang lúc bụng đói, ngước mắt, nhìn lên giàn bếp thấy trên mấy chiếc gióng lủng lẳng vẫn còn các rổ bánh, rổ thịt… là thấy vui lắm. Trong đám con nít ấy có tôi. Đã bao năm trôi qua, cuộc sống biết bao đổi thay, nhưng với tôi, thật khó quên những hình ảnh đã in đậm trong ký ức mỗi bận Tết về.
HOÀNG NHẬT TUYÊN