06:01, 25/01/2023

Bảo tàng Hải dương học: Khơi dậy tình yêu biển đảo

Ngày 14-9-1922, Toàn quyền Đông Dương Francois Marius Baudauion ký sắc lệnh thành lập Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương (tiền thân của Viện Hải dương học ngày nay) tại Nha Trang. Cùng với sự phát triển của Viện Hải dương học, Bảo tàng Hải dương học ra đời, đến nay đã trở thành "địa chỉ đỏ" để giáo dục về tình yêu biển đảo.



 

 

Ngày 14-9-1922, Toàn quyền Đông Dương Francois Marius Baudauion ký sắc lệnh thành lập Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương (tiền thân của Viện Hải dương học ngày nay) tại Nha Trang. Cùng với sự phát triển của Viện Hải dương học, Bảo tàng Hải dương học ra đời, đến nay đã trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục về tình yêu biển đảo.


Nơi lưu giữ những mẫu vật quý hiếm


Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đào Việt Hà - Viện trưởng Viện Hải dương học, chỉ hơn một năm sau khi ra đời, Sở Hải dương học nghề cá Đông Dương đã thành lập Phòng Lưu giữ mẫu vật để lưu giữ và bảo quản các mẫu sinh vật biển từ những hoạt động nghiên cứu khoa học. Năm 1948, Viện Hải dương học Đông Dương xây dựng Bảo tàng Mẫu vật với diện tích 400m2, 4.000m kệ, 7.000 lọ lưu mẫu. Đến năm 1958, bộ sưu tập của bảo tàng đã lên đến 42.000 mẫu vật. Việc quản lý hệ thống hóa bộ sưu tập mẫu vật được tăng cường, trong đó các loài mới được ưu tiên lập danh sách riêng để tiện tra cứu, sử dụng. “Ngoài mục đích phục vụ nghiên cứu, bảo tàng còn có chức năng trao đổi mẫu với các bảo tàng khác trên thế giới như: Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Pháp, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London (Anh)… Mẫu vật của khoảng 200 loài sinh vật biển của Bảo tàng Hải dương học đã được chuyển giao cho các bảo tàng khác nhau trên thế giới”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đào Việt Hà cho biết.

 

Học sinh tìm hiểu về sự đa dạng sinh học biển Việt Nam ở Bảo tàng Hải dương học.

Học sinh tìm hiểu về sự đa dạng sinh học biển Việt Nam ở Bảo tàng Hải dương học.


Được biết, Tiến sĩ Armand Kempf (Viện trưởng đầu tiên của Viện Hải dương học) đã đề xuất xây dựng hệ thống hồ cá để phục vụ nghiên cứu khoa học, đồng thời là một địa điểm giới thiệu với công chúng về thế giới sinh vật biển. Năm 1937, Viện Hải dương học Đông Dương mở cửa đón khách tham quan Bảo tàng hồ cá (Aquarium) tại tầng hầm của tòa nhà chính viện. Sau hai lần nâng cấp, đến năm 1943, bảo tàng đã có 24 bể nuôi chìm và 6 bể lớn nuôi ngoài với tên chung là Bảo tàng Biển. Hệ động vật biển và san hô trong các bể cá đã thu hút sự quan tâm của công chúng, trở thành địa chỉ tham quan số 1 của Nha Trang ngày đó. Đến năm 1958, bảo tàng đã đón gần 50.000 lượt khách tham quan/năm.


Trải qua những biến động lịch sử, nhiều mẫu vật đã bị hỏng, mất mát. Bảo tàng Mẫu vật và Bảo tàng Biển đã được sáp nhập với tên gọi là Bảo tàng Hải dương học. “Hiện nay, bảo tàng lưu giữ hơn 27.000 mẫu sinh vật biển của gần 6.000 loài được thu thập khắp các vùng biển Việt Nam và khu vực lân cận”, Tiến sĩ Trương Hải Trình - Trưởng phòng Truyền thông và Giáo dục môi trường - Bảo tàng Hải dương học chia sẻ.


“Địa chỉ đỏ” giáo dục về tình yêu biển đảo


Những năm gần đây, Bảo tàng Hải dương học có sự phát triển về cơ sở vật chất và chất lượng phục vụ, thu hút lượng lớn khách tham quan. Ngoài hệ thống hồ, bể nuôi sinh vật biển, khu trưng bày mẫu vật lớn với bộ xương cá voi lưng gù dài 18m, nặng 10 tấn được phát hiện ở Nam Định năm 1994; bộ xương bò biển nặng gần 300kg được đưa về từ Côn Đảo…, bảo tàng đã đầu tư thêm nhiều khu trưng bày mới rất có giá trị. Nổi bật là Khu trưng bày “Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa” được cải tạo từ đường hầm xuyên núi với chiều dài 128m do người Pháp xây dựng từ những năm 1930. Nhiều loài sinh vật biển, như: Cá mặt trăng đuôi nhọn, cá thu song, các loài san hô, trai khổng lồ, ốc xà cừ, ốc kim khôi, ốc tù và có hình dáng độc đáo đem về từ vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa đều hiện diện ở đây. Đặc biệt, ở khu trưng bày còn có 6 bể nuôi sinh vật biển có chủ đề “Sức sống đại dương” với tổng dung tích 165m3. Trong đó, ấn tượng nhất là 25m đường hầm thiết kế theo dạng bể vòm dùng để nuôi thả những loài cá dữ, có kích thước lớn như cá mập, cá đuối.


Mới đây, Viện Hải dương học đưa vào hoạt động Khu trưng bày “Đa dạng sinh học biển” giới thiệu hàng chục ngàn mẫu sinh vật, khoáng vật, tiêu bản, thông tin về đa dạng sinh học biển Việt Nam. Trong đó, bộ sưu tập mẫu sinh vật biển trong suốt cách điệu số 100 - chào mừng 100 năm thành lập viện và bộ sưu tập mẫu vật các loài rong biển tuyệt đẹp của 3 ngành rong (đỏ, lục, nâu) của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của công chúng.


Mở cửa trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Bảo tàng Hải dương học đã đón hơn 500.000 lượt khách tham quan trong năm 2022, trong đó có hàng chục ngàn sinh viên, học sinh. “Tham quan Bảo tàng Hải dương học, em đã hiểu rõ hơn về tài nguyên biển đảo Việt Nam, việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa”, Nguyễn Quốc Duy - học sinh đến từ TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) bày tỏ.


Có thể nói, Bảo tàng Hải dương học đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục về tình yêu biển đảo Việt Nam, ý thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo; nâng cao nhận thức của người dân, du khách về sự đa dạng sinh học của biển đảo Việt Nam và ý thức về bảo vệ môi trường biển.


XUÂN THÀNH