06:01, 25/01/2023

Người thầy "mũ nồi xanh" ở Abyei

Những ngày cuối năm, khi gia đình, các đồng nghiệp chuẩn bị đón một năm mới sum vầy thì ở cách phố biển Nha Trang khoảng 9.000km, Thiếu tá Nguyễn Văn Thứ - giảng viên Khoa Cơ bản, Trường Sĩ quan Thông tin đang mang trên mình sứ mệnh cao cả mà đất nước giao phó. Anh là một trong những sĩ quan của Việt Nam được Chủ tịch nước cử đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại khu vực Abyei (khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan).

Những ngày cuối năm, khi gia đình, các đồng nghiệp chuẩn bị đón một năm mới sum vầy thì ở cách phố biển Nha Trang khoảng 9.000km, Thiếu tá Nguyễn Văn Thứ - giảng viên Khoa Cơ bản, Trường Sĩ quan Thông tin đang mang trên mình sứ mệnh cao cả mà đất nước giao phó. Anh là một trong những sĩ quan của Việt Nam được Chủ tịch nước cử đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại khu vực Abyei (khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan).


Vinh dự là lính “mũ nồi xanh”


Dù đã nhắn tin hẹn trước, nhưng khi vừa nghe điện thoại của tôi, anh Thứ đã hồ hởi: “Công việc bận bịu, tối phải tranh thủ học thêm nên mấy hôm nay tôi chưa gọi về nhà được. Nghe điện thoại bên mình gọi qua, lại nhớ Nha Trang ghê!”.

 


Là 1 trong 7 sĩ quan nhận quyết định của Chủ tịch nước đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại khu vực Abyei vào đầu năm 2022, anh Thứ không khỏi bồi hồi khi nhắc lại cảm giác vinh dự, tự hào, xen lẫn chút lo lắng, vì đây là lực lượng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam triển khai tới Phái bộ An ninh lâm thời của Liên hợp quốc tại khu vực Abyei (Phái bộ UNISFA). Trên cương vị sĩ quan tham mưu hậu cần của phái bộ từ tháng 2-2022, đến nay đã gần 1 năm anh công tác ở mảnh đất rất xa quê hương. Đường hành quân từ quê hương Việt Nam đến Phái bộ UNISFA không hề đơn giản, anh phải đi tổng cộng 6 chuyến bay, trong đó có 4 chuyến bay thương mại và 2 chuyến bay bằng chuyên cơ của Liên hợp quốc; trung chuyển tại 3 quốc gia mới đến được nơi nhận nhiệm vụ.


Nhiệm vụ chính của anh là tổ chức đảm bảo công tác hậu cần trong toàn Phái bộ UNISFA; thường xuyên phải đi kiểm tra, khảo sát công tác đảm bảo hậu cần tại các cơ quan của phái bộ và các phân khu; định kỳ viết báo cáo, tổng kết công tác, xây dựng định hướng chiến lược cho chỉ huy phái bộ đối với công tác đảm bảo hậu cần trong tương lai. Mặc dù khối lượng công việc lớn, phải làm việc độc lập và gặp nhiều khó khăn về phương tiện thông tin liên lạc, nhưng anh luôn nỗ lực tìm những giải pháp hữu hiệu để khắc phục mọi khó khăn.

 

Thiếu tá Nguyễn Văn Thứ dạy học tình nguyện tại Trường cấp 3 Abyei.

Thiếu tá Nguyễn Văn Thứ dạy học tình nguyện tại Trường cấp 3 Abyei.


Tại Abyei có khí hậu, thời tiết khắc nghiệt và nhiều loại bệnh dịch phát triển nhanh, nguy hiểm, nên để hoàn thành tốt nhiệm vụ không hề dễ dàng. Anh Thứ cho biết, vào mùa hè, nhiệt độ ngoài trời có khi lên đến hơn 40 độ; ban đêm, những sĩ quan công tác tại đây lại phải đối diện với nguy cơ bị sốt rét nên sau giờ làm việc, tối đến mọi người rất hạn chế ra ngoài. Những lúc này, anh Thứ lại tranh thủ xử lý công việc, tự học tiếng Anh. “Đây là môi trường quốc tế đa quốc gia, điều kiện tiên quyết phải có là thông thạo tiếng Anh, có nền tảng kiến thức quân sự và nắm tình hình an ninh chính trị thế giới tốt, thể lực tốt. Vốn là một giảng viên tiếng Anh, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng thực hành là việc gắn bó cả đời, đặc biệt là đứng trước yêu cầu cao về trình độ ngoại ngữ trong quân đội thời gian tới, do đó, dù bản thân đủ điều kiện mới được cử sang đây công tác nhưng tôi vẫn phải tiếp tục nâng cao trình độ về mọi mặt”, anh Thứ chia sẻ.


Thời gian đầu mới sang, chưa kịp thích ứng với mọi thứ nên anh có phần bỡ ngỡ, đặc biệt trong sinh hoạt hàng ngày. Lương thực, thực phẩm ở đây khá khan hiếm, nhất là rau xanh, các đồ ăn khác cũng đa phần là đồ đông lạnh... khiến thời gian đó anh bị sụt mất 4kg. Dần dà rồi quen, bây giờ, anh và các đồng nghiệp khác trong phái bộ đã tự chủ được nguồn rau xanh bằng việc tăng gia. Cái nóng rát người hay các khó khăn khác cũng không còn làm khó được người sĩ quan thông tin mang “mũ nồi xanh”...


Người thầy nước ngoài của thế hệ trẻ Abyei


Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Thứ chia sẻ, anh chưa từng nghĩ có ngày mình sẽ tham gia dạy học ở một nơi xa xôi như thế. Qua công tác ở Abyei một thời gian, anh cùng cán bộ truyền thông của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tại Abyei gặp gỡ, trao đổi với thầy giáo Satino - Hiệu trưởng Trường cấp 3 Abyei và biết được nhà trường đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, trường đang thiếu giáo viên có trình độ chuyên môn về tiếng Anh và công nghệ thông tin. Vốn là giảng viên bộ môn ngoại ngữ ở trường, anh trăn trở mãi rồi quyết định xin ý kiến của Chỉ huy trưởng lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tại Abyei để tổ chức dạy cho học sinh. Được sự đồng ý của chỉ huy, Thiếu tá Thứ và Trung tá Nguyễn Thị Liên - Trường Sĩ quan Đặc công đang công tác tại đây cùng nhau đi “gõ đầu trẻ”.


Vậy là ở miền đất xa xôi tại châu Phi, lớp học của thầy Thứ và cô Liên diễn ra đều đặn vào mỗi chiều thứ Sáu, ngày nghỉ cuối tuần tại địa bàn phái bộ. Trong khi cô Liên dạy tiếng Anh, thì thầy Thứ dạy cho các học sinh về công nghệ thông tin. Cơ sở vật chất nhà trường còn nhiều thiếu thốn, với 5 lớp học, mỗi lớp hơn 40 học sinh, việc bố trí phòng để các em được học cũng không dễ dàng. Các thầy, cô giáo lại nhờ Đội Công binh số 1 Việt Nam xây dựng được 2 phòng học và hỗ trợ các trang thiết bị giảng dạy như: máy phát điện, tivi, bảng, đồ dùng học tập...


Dạy cho các học sinh cấp 3 những khái niệm tưởng như dễ hiểu nếu ở Việt Nam thì tại đây, thầy giáo Thứ tốn khá nhiều công sức vì phải hướng dẫn tỉ mỉ cho các em tiếp thu được những kiến thức mới bằng tiếng Anh. Để thuận lợi hơn, anh cùng nhà trường xây dựng chương trình, lộ trình dạy môn Công nghệ thông tin cho học sinh các lớp. “Lần đầu đứng trên bục giảng dạy cho những học sinh bản địa, tôi có cảm giác lạ lắm. Vì đây là lần đầu tôi có những học trò là người nước ngoài, lại ở trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Tôi hiểu rằng, nhiệm vụ gìn giữ hòa bình trên mảnh đất Abyei không chỉ là làm tròn nhiệm vụ được giao, mà việc giáo dục cho thế hệ trẻ cũng rất quan trọng, mang ý nghĩa lâu dài. Bởi việc giáo dục, bồi dưỡng các em chính là công cuộc ươm mầm cho một Abyei trong tương lai. Dần dà, những học sinh ở đây đã rất thân quen và yêu quý chúng tôi”, anh Thứ nói.


Trò chuyện với anh những ngày cuối năm, anh chia sẻ, dù đã có hơn 15 năm trong quân ngũ, bản thân đã trải qua nhiều lần đón Tết xa gia đình, nhưng Tết Nguyên đán Quý Mão năm nay lại là một cái Tết khác hẳn những lần trước, khi nơi anh đang công tác không có được không khí Tết như ở quê nhà. Anh cùng các đồng đội người Việt Nam đã lên kế hoạch trang trí, tổ chức một bữa ăn thân mật với các món ăn theo đúng truyền thống dân tộc để đón Tết và mời các đồng nghiệp người nước ngoài cùng tham gia.


Mang trong mình nhiệm vụ cao cả, cùng tâm huyết với nghề giáo, người thầy “mũ nồi xanh” Nguyễn Văn Thứ đang ngày ngày nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó. Cùng với các đồng đội, anh đang từng bước khẳng định vị thế lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam luôn có đủ năng lực tham gia các hoạt động của Liên hợp quốc và làm việc độc lập trong môi trường quốc tế, sẵn sàng đảm nhận các vị trí với yêu cầu nhiệm vụ cao hơn...

 

Thiếu tá Nguyễn Văn Thứ - giảng viên Khoa Cơ bản, Trường Sĩ quan Thông tin: Có lẽ Tết năm nay là cái Tết đặc biệt nhất đối với tôi khi đón năm mới ở một đất nước rất xa xôi, cảm xúc cũng rất khác lạ. Nhưng đây cũng là cơ hội để các anh chị em người Việt Nam tại Phái bộ giới thiệu đến những đồng nghiệp, bạn bè quốc tế đang công tác tại đây về nét văn hóa truyền thống lâu đời của Việt Nam, nét đẹp của Tết cổ truyền, quảng bá về hình ảnh Việt Nam thân thiện, mến khách đến bạn bè quốc tế.


VĨNH THÀNH