Trong một lần lang thang trên facebook, tôi xem được thông tin về hoạt động lặn biển cùng cá mập trắng ở Haiwaii mà không cần bất cứ phương tiện hỗ trợ nào. Nhiều câu hỏi chợt đến: "Việc này chẳng phải chỉ thấy trên tivi trong chương trình thế giới động vật thôi sao?
. Thách thức giới hạn bản thân
Trong một lần lang thang trên facebook, tôi xem được thông tin về hoạt động lặn biển cùng cá mập trắng ở Haiwaii mà không cần bất cứ phương tiện hỗ trợ nào. Nhiều câu hỏi chợt đến: “Việc này chẳng phải chỉ thấy trên tivi trong chương trình thế giới động vật thôi sao? Và chỉ dành cho các chuyên gia lặn, hay các nhà làm phim Discovery?”. Tìm hiểu tôi mới biết, lặn biển không bình khí (Freedive) khám phá đại dương hiện nay là môn thể thao dành cho những người yêu biển, muốn thách thức khả năng của bản thân. Chương trình học lặn Freedive bắt đầu bằng một buổi lý thuyết, 3 buổi thực hành ở hồ bơi để rèn luyện các kỹ năng và hai buổi lặn thực hành ở biển. Đó là các bước để trở thành một diver (thợ lặn) thực thụ.
Nhờ vài hướng dẫn viên du lịch giới thiệu, tôi được gặp anh Nguyễn Hà Minh Trị - huấn luyện viên Freedive quốc tế, hiện đang sinh sống ở TP. Nha Trang. Chỉ tay vào hàng chục loại chân vịt treo trên tường nhà, anh Trị tâm sự: “Chỉ với cặp chân vịt nhưng có thể lặn sâu dưới đại dương như những chú rái cá. Nghe thì có vẻ đơn giản, song đây chính là môn thể thao vô cùng mạo hiểm. Chỉ cần một sai lầm, người chơi có thể phải trả giá bằng cả tính mạng của mình”. Vốn xuất thân là vận động viên bơi lội, anh Trị đến với môn lặn như một tình yêu dành cho biển cả. “Được vẫy vùng dưới làn nước, được ngắm san hô, tôm, cá bơi lội, thật sự rất tuyệt vời. Song, điều tuyệt vời hơn cả là chinh phục những giới hạn của bản thân. Người bình thường chỉ có thể lặn sâu được 3 - 4m đã thấy tai đau khủng khiếp, nhưng với các diver, ít nhất có thể lặn sâu được 15m. Các mức 24m, 40m cũng được chinh phục dần dần. Có những người chơi môn này lâu năm, đã lặn tới độ sâu hơn 100m. Đây là một điều phi thường, ít ai nghĩ rằng con người có thể làm được”, anh Trị chia sẻ.
Chị Trương Anh Tuyết (một học trò của anh Trị) đến từ TP. Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, môn thể thao này là sự khám phá những giới hạn của bản thân và để chiến thắng được nỗi sợ hãi. Trong áp lực nước vô cùng lớn, chỉ cần một thao tác sai thì tai nạn có thể đến bất kỳ lúc nào. “Lần đầu tiên lặn ở độ sâu 15m, khi lên khỏi mặt nước tôi đã bị chảy máu mũi. Nếu sợ, thì vĩnh viễn mình không thể trở thành diver. Giờ đây, một mình lặn dưới độ sâu 15m để khám phá đại dương, ngắm nhìn những cảnh đẹp dưới đáy biển là chuyện hết sức bình thường với mình”, chị Tuyết cho hay.
. Khám phá đại dương
Để hiểu rõ hơn sự thú vị của bộ môn Freedive, tôi theo nhóm của anh Trị đi lặn ở Hòn Mun. Nhờ sự giúp đỡ của các thợ lặn, tôi đã được ngắm những đàn cá tung tăng bơi lội quanh các cụm san hô đầy màu sắc, đủ hình dạng đẹp không thể tả. Nó chắc chắn là đẹp hơn những gì tôi đã từng xem trên tivi. Chúng giống như những khu rừng nguyên sinh dưới đáy biển. Dù chỉ có thể nín thở được hơn một phút, nhưng chừng ấy thời gian cũng đủ để tôi tận hưởng cuộc sống hòa mình vào thiên nhiên.
Đi cùng nhóm, anh Nguyễn Hoàng Thạch (Quận 4, TP. Hồ Chí Minh) kể, ở Phú Quốc có nhiều san hô hình ống, roi, quạt và cá khá to. Ở Nha Trang hay Hội An thì san hô đa dạng hơn, cá thì nhiều màu sắc hơn. Mỗi điểm có sự thú vị riêng của nó, đó chính là sự vi diệu của biển cả khiến những người chơi Freedive bị mê hoặc. Anh Thạch tâm sự: “Tôi bắt đầu với Scuba (lặn có bình khí) sau đó chuyển qua Freedive và giờ tôi thích nó hơn. Khi bạn freedive thành thạo, bạn sẽ không còn thở ra những bong bóng nước. Lúc đó, cá cũng như các loài sinh vật biển khác không cảm thấy sợ và xem bạn như những mối đe dọa nữa. Bạn và chúng trở nên gần gũi với nhau một cách mật thiết, điều thú vị của freediver nằm ở chỗ đó”.
Người chơi môn Freedive có thể nhịn thở dưới nước và bơi lặn dưới nước trung bình được khoảng 2 phút, có người được từ 3 - 4 phút. Tôi nhớ có huấn luyện viên lặn nổi tiếng thế giới từng nói: “Freedive không phải là cuộc chiến giữa bạn và biển cả vì biển sẽ luôn thắng. Nhưng nó là sự thách thức bản thân để bạn có thể vượt qua và đẩy khả năng tăng thêm từng tí một theo năm tháng”.
Đã từng đi lặn ở các đảo: Lý Sơn (Quảng Nam), Hòn Mun (Khánh Hòa), Phú Quý (Bình Thuận), Nam Du (Kiên Giang)… nhưng nhóm lặn của anh Trị luôn tâm niệm phải gìn giữ, không xâm phạm bất cứ thứ gì của biển. Anh Trị cho biết: “Nếu bạn cầm thứ gì đó về thì lần sau lặn xuống chúng ta sẽ không còn gì để ngắm? Nguyên tắc của chúng tôi là chỉ được ngắm, chụp hình thôi chứ không được lấy bất kỳ thứ gì để giữ cho tự nhiên sự nguyên vẹn vốn có của nó. Để phát triển loại hình du lịch lặn biển, cần phải bảo vệ môi trường tự nhiên, san hô và các động vật quý hiếm”.
Môn thể thao lặn không bình khí dù mới trải nghiệm lần đầu nhưng thực sự đã khiến tôi bị mê hoặc và ước mong được trở thành một diver thực thụ. Khi đó, tôi có thể lặn biển ở nhiều nơi khác nhau của Việt Nam, chiêm ngưỡng được vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho dải đất hình chữ S. Và hơn hết, là góp thêm một tiếng nói, một hành động: Hãy bảo vệ môi trường thiên nhiên Việt Nam để các thế hệ sau còn được chứng kiến vẻ đẹp của đất nước này.
Đình Lâm
Với những người chơi môn thể thao Freedive, họ muốn được trở về với bản ngã, trở về với tự nhiên và chinh phục giới hạn của bản thân. Niềm vui mà họ nhận được là sự tự do bơi lội cùng với thế giới thủy sinh như những động vật lưỡng cư, được khám phá những vẻ đẹp mê hồn trong đại dương bao la.