Ngày này tuần trước, không ai ngờ suất ăn trưa ở Trường iSchool Nha Trang lại trở thành vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với số lượng lớn nhất, với hơn 600 học sinh bị ngộ độc, 1 học sinh tử vong. Vụ việc xảy ra là điều không ai mong muốn, nhưng thật sự là hồi chuông cảnh báo về an toàn vệ sinh thực phẩm ở các bếp ăn tập thể.
Ngày này tuần trước, không ai ngờ suất ăn trưa ở Trường iSchool Nha Trang lại trở thành vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với số lượng lớn nhất, với hơn 600 học sinh bị ngộ độc, 1 học sinh tử vong. Vụ việc xảy ra là điều không ai mong muốn, nhưng thật sự là hồi chuông cảnh báo về an toàn vệ sinh thực phẩm ở các bếp ăn tập thể.
Kết quả xét nghiệm đã có, nguyên nhân đã rõ. Các ban, ngành, bệnh viện và nhà trường cũng đã tích cực xử lý, giải quyết hậu quả. Tuy nhiên, sau vụ việc này, có lẽ ai cũng canh cánh một nỗi lo về chất lượng bữa ăn tại trường học và câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để đừng có thêm những vụ ngộ độc như vậy nữa khi mà câu chuyện về an toàn thực phẩm vẫn còn quá nhiều lỗ hổng.
Trước hết là việc quản lý, giám sát đầu vào của thực phẩm. Tổ chức bếp ăn tập thể, điều đầu tiên là phải có quy trình chuẩn, từ nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến, quy trình bếp ăn một chiều, yếu tố con người…, nhất là truy xuất nguồn gốc thực phẩm tận nơi sản xuất và cung cấp thực phẩm. Với các nhà trường, phải bảo đảm những thực phẩm được đưa vào bếp ăn đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khâu truy xuất nguồn gốc thực phẩm vẫn chưa được làm bài bản, có bếp ăn vẫn tin tưởng, phó thác cho nhà cung cấp.
Thứ hai là về việc thanh tra, kiểm tra các bếp ăn tập thể. Có việc kiểm tra định kỳ nhưng cũng nên có những cuộc kiểm tra đột xuất, không báo trước. Có như vậy mới phát hiện được nơi nào còn chưa làm đúng quy trình, nơi nào chưa tuân thủ, nguồn thực phẩm nhập vào hàng ngày có được đảm bảo? Kể cả việc suất ăn có bị bớt xén hay không? Nhớ năm trước, nhiều phụ huynh của một trường tiểu học trên địa bàn TP. Nha Trang cũng đã từng bức xúc về việc này, khi họ phát hiện khẩu phần ăn của các con bị bớt xén. Nếu kiểm tra, thanh tra đột xuất, thường xuyên sẽ hạn chế được tình trạng này, không để đến khi xảy ra vụ việc mới kiểm tra hàng loạt rồi sau đó mọi việc lại như cũ…
Thứ ba là cái tâm của người kinh doanh. Làm bếp ăn tập thể, nhà cung cấp phải biết rõ nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm. Nếu kinh doanh chỉ vì lợi nhuận mà không đặt cái tâm lên hàng đầu, nhắm mắt làm ngơ để thực phẩm bẩn thành sạch thì hậu quả để lại là khôn lường. Nhất là đối tượng phục vụ là trẻ em, càng cần phải có cái tâm!.
Sau vụ ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang, chắc chắn nhiều trường học tổ chức bán trú và cả những bếp ăn tập thể khác cũng sẽ phải giật mình và chấn chỉnh lại. Mong là sẽ không bao giờ xảy ra những vụ ngộ độc tương tự.
Nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm chưa bao giờ thôi canh cánh mỗi ngày. Xin đừng để “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa ngày càng ngắn vì thực phẩm bẩn” - như lời một vị đại biểu Quốc hội phát biểu cách đây vài năm. Câu chuyện về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm rõ ràng vẫn còn nhiều vấn đề đang bị bỏ ngỏ…
Hải Nguyệt