09:11, 17/11/2022

Nghĩ về vị thế người thầy

Quan niệm Nho giáo cách đây cả ngàn năm về vị trí người thầy trong xã hội đã ảnh hưởng sâu đậm cho sự phát triển của xã hội. Thời phong kiến, theo quan niệm "Tam cang giả", người thầy được đứng vị trí thứ hai trong trật tự "Quân – Sư – Phụ", chỉ sau vua và trên cả cha.

Quan niệm Nho giáo cách đây cả ngàn năm về vị trí người thầy trong xã hội đã ảnh hưởng sâu đậm cho sự phát triển của xã hội. Thời phong kiến, theo quan niệm “Tam cang giả”, người thầy được đứng vị trí thứ hai trong trật tự “Quân – Sư – Phụ”, chỉ sau vua và trên cả cha. Được coi trọng như vậy bởi thầy là người có công ơn truyền dạy đạo lý thánh hiền, dạy dỗ trò thành “người” để đóng góp vào sự phát triển xã hội.  

Người Việt Nam có truyền thống hiếu học. Tinh thần tôn sư trọng đạo đã đặt người thầy vào một vị trí trang trọng trong tâm thức người Việt. Trong lịch sử phát triển của đất nước đã xuất hiện những người thầy mẫu mực như Chu Văn An được tôn xưng “vạn thế sư biểu”. Người Việt có những câu “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Mùng một Tết cha, Mùng ba Tết thầy”…


Tuy nhiên, xu hướng chung của giáo dục trên thế giới hiện nay chuyển vị trí “lấy thầy là trung tâm” thành “lấy học trò làm trung tâm”. Tư tưởng tích cực này là một tất yếu khách quan được hình thành trên trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật và tri thức nhân loại đã tích lũy suốt trong lịch sử phát triển, đặc biệt trong thế kỷ XX. Vị trí, vai trò người thầy trong xã hội có sự thay đổi. Tuy nhiên, cho dù xã hội đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều biến cố khác nhau, nhưng ở thời điểm nào, người thầy vẫn luôn được tôn vinh; đó là một minh chứng cho sự tôn trọng trí tuệ, khát khao hiểu biết của người Việt. Vì vậy, trân trọng, tôn vinh, đề cao vị thế người thầy, nhân tố quyết định chất lượng giáo dục - đào tạo, không chỉ góp phần tạo động lực, khích lệ đội ngũ nhà giáo, yên tâm đảm nhận sứ mệnh cao cả và hết sức vinh quang, mà còn vì sự phát triển phồn vinh của đất nước.


Thời gian qua, trên báo chí và mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin không hay, không đẹp về người thầy. Vẫn biết đây chỉ là những sự việc lệch chuẩn cá biệt, nhưng cũng là những cảnh báo cần thiết để đội ngũ thầy cô nhìn lại mình. Văn hóa Việt có câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, tự soi xét mình trước khi soi xét người. Thế kỷ XXI, là thế kỷ bùng nổ thông tin khoa học - kỹ thuật nên đòi hỏi người thầy phải không ngừng nắm bắt những thông tin khoa học - kỹ thuật để làm phong phú hơn vốn kiến thức của mình phục vụ cho công tác giảng dạy. Muốn vậy, mỗi thầy, cô giáo cần phải tự học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp. Có như vậy, mới nâng cao vai trò của người thầy trong sự nghiệp trồng người.


Thời nào cũng vậy, giáo dục luôn giữ vai trò quyết định đối với sự hưng thịnh của mỗi quốc gia. Xã hội xưa hay xã hội hiện đại, thì vai trò và địa vị của người thầy đều được mọi người tôn trọng. Những dòng viết này như một lẵng hoa dâng lên ngày hội của các thầy cô 20-11.


Thủy Ngân