Bài học khai tâm cho những người theo nghề báo là phải trả lời được câu hỏi: Viết cho ai, viết để làm gì…? Sau khi trả lời rõ ràng được câu hỏi này mới tiếp tục học đến câu: Viết như thế nào? Đó cũng chính là kim chỉ nam cho nghề báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh – Người đã sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Bài học khai tâm cho những người theo nghề báo là phải trả lời được câu hỏi: Viết cho ai, viết để làm gì…? Sau khi trả lời rõ ràng được câu hỏi này mới tiếp tục học đến câu: Viết như thế nào? Đó cũng chính là kim chỉ nam cho nghề báo theo tư tưởng Hồ Chí Minh – Người đã sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Trong những ngày này, những người làm báo cả nước lại nhớ đến Bác Hồ - một nhà báo có hàng ngàn bài viết với hàng trăm bút danh và là người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Những lời dạy của Người về báo chí và nghề báo luôn là những bài học quý báu, có giá trị soi sáng thực tiễn hiện nay. Sinh thời, Bác đã dành sự quan tâm đặc biệt cho đội ngũ những người làm báo. Bác căn dặn các nhà báo: Trước khi đặt bút xuống trang giấy, người viết cần tự mình thật sáng tỏ, ta “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?” (Phát biểu tại Đại hội lần II Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1959), “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng” (Phát biểu tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1962). Vì “Đối với những người viết báo chúng ta, cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh...” (Điện mừng Hội Nhà báo Á - Phi, năm 1965)...
Báo chí luôn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Báo chí của chúng ta là báo chí cách mạng, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội trong sự nghiệp đổi mới của Đảng. Mỗi nhà báo là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Vì thế, cho dù công nghệ có phát triển đến đâu thì nhân tố con người vẫn là quyết định. Mỗi một tin tức hay bài viết phải phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, người làm báo phải biết cân nhắc thông tin vì sự phát triển chung của xã hội.
Tuy nhiên, một điều đáng quan tâm hiện nay là xuất hiện xu hướng sùng bái công nghệ một số cơ quan báo, coi công nghệ sẽ giải quyết được hầu hết mọi vấn đề. Theo đó, chỉ cần có đội ngũ am hiểu công nghệ, viết tin bài với mục tiêu thông tin nhanh hơn, độc, lạ hơn báo bạn, bất chấp nội dung đó tốt xấu, tác động thế nào đến xã hội. Nhanh hơn, lạ hơn là có số lượng truy cập cao hơn, chia sẻ cao hơn… từ đó sẽ có những lợi ích kinh tế khác đi kèm.
Con người tạo ra công nghệ để phục vụ lại chính công việc của mình. Công nghệ chỉ là phương tiện giúp báo chí trả lời cho câu hỏi “Viết cho ai? viết để làm gì?...” tốt hơn, hiệu quả hơn mà thôi.
Thủy Ngân