Những ngày này tràn ngập trên báo chí và mạng xã hội là hình ảnh dòng người lũ lượt rời bỏ Sài Gòn, tìm đường về quê tá túc. Xót xa nhìn dòng người hồi hương trên dặm đường dằng dặc cả ngàn cây số. Những người mất việc làm, những người lao động tự do mưu sinh bám vào vỉa hè…
Những ngày này tràn ngập trên báo chí và mạng xã hội là hình ảnh dòng người lũ lượt rời bỏ Sài Gòn, tìm đường về quê tá túc. Xót xa nhìn dòng người hồi hương trên dặm đường dằng dặc cả ngàn cây số. Những người mất việc làm, những người lao động tự do mưu sinh bám vào vỉa hè… hơn 4 tháng trời trong các khu nhà trọ, không thu nhập, lắt lay nhận cứu trợ, xơ xác với dịch bệnh, nay đùm túm cả nhà về quê trên chiếc xe máy. Trụ không nổi nữa rồi, nơi nương náu cuối cùng là quê hương chứ đâu. Quê nhà đó mà nghìn trùng xa cách...
Nỗi an ủi duy nhất là tấm lòng nhân hậu của các tỉnh dọc đường. Những ổ bánh mỳ, chai nước lọc, những ly sữa cho em nhỏ… vợi bớt đi nỗi cực nhọc trên con đường về quê thăm thẳm xa. Đồng cảm lắm, thương lắm, chỉ biết cầu mong cho mọi người an toàn về tới quê nhà.
Quê hương mỗi người chỉ có một, đó là nơi con người cất tiếng khóc chào đời, nơi đầu tiên nuôi dưỡng thể chất và tâm hồn mỗi con người. Ai chả mong được sống trọn đời bên người thân trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Nhưng vòng xoáy kiếm sống của đời người đã bứt bao nhiêu người xa xứ, tìm nơi lập nghiệp mà vẫn nhớ về quê nhà đau đáu. Như nỗi lòng chàng trai 19 tuổi Nguyễn Văn Thương trong nhạc phẩm Đêm đông đã ngóng về quê nhà “Đêm đông, ta mơ giấc mơ, gia đình yêu thương; Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương…”.
Các cụ từ ngàn xưa đã có câu “tha phương cầu thực”. Trong cuộc đời này có bao nhiêu người trong chúng ta trong câu nói đó? Nhiều, nhiều lắm vì quê nhà vốn chỉ thật thà trông vào mảnh ruộng còn thành phố nào cũng có nhiều cơ hội kiếm sống hơn. Bao nhiêu năm qua, dân tứ xứ đã đổ về Sài Gòn kiếm sống và thành phố hào hiệp đã bao dung tất cả các mảnh đời. Đất lành chim đậu, ai cũng thu xếp cho mình tìm được một chỗ đứng trong lòng thành phố khổng lồ, năng động này. Người ta bảo Sài Gòn hoa lệ nhưng qua đại dịch này, ta mới nhận thấy hoa của người giàu và lệ của người nghèo, mà người nghèo thì nhiều quá.
Chuyện đã qua, nhưng nói thực trong lòng vẫn ấm ức. Đâu xa xôi gì như các tỉnh miền Tây, gần xịch ngay Sài Gòn vậy suốt 4 tháng qua, chính quyền các tỉnh đâu không tính tới chuyện giải cứu công dân của mình? Cứ thử nghĩ coi, những người lao động ráo mồ hôi là ráo tiền, 4 tháng trời không thu nhập, họ sống bằng gì trong thời gian ấy? Đón dân mình về quê tránh dịch cũng là trực tiếp giúp đỡ Sài Gòn nhẹ bớt đi gánh nặng. Nhìn lại suốt những tháng dịch bệnh khốc liệt mới nể phục tỉnh hàng xóm của mình. Tỉnh nghèo vừa oằn mình phòng chống dịch mà vẫn đều đặn hàng tuần tổ chức đón công dân của tỉnh từ Sài Gòn về cả vạn người. Đó không chỉ là nghĩa tình với đồng bào mình mà còn là nghĩa tình với Sài Gòn, là thiết thực san sẻ gánh nặng với Sài Gòn.
Nhìn dòng người cuồn cuộn tìm đường về quê, mới hiểu cuộc đời này còn bao nhiêu phận người mỏng manh, quay cuồng với miếng ăn hàng ngày. Vì mưu sinh họ đã phải tạm xa quê hương, tìm cơ hội đổi đời nơi thành phố. Giấc mơ không thành vì dịch bệnh, họ chỉ còn đường duy nhất về nương náu nơi quê nhà. Các tỉnh cũng đã chuẩn bị nơi đón tiếp, nơi cách ly, cử người dẫn đường…Vâng, không ai có thể bỏ mặc đồng bào mình, nhưng giá chi họ được quê hương dang tay đón sớm ngay từ trong những ngày dịch bệnh, hẳn họ sẽ hạnh phúc, mang mãi trong lòng những cảm xúc ấm áp tình quê biết nhường nào.
Dẫu biết rằng, cuộc mưu sinh nào cũng đẫm mồ hôi và nước mắt, nhưng hình ảnh những em bé theo gia đình rong ruổi ngàn dặm đường trên chiếc xe máy tàng, ta biết rằng còn có khi là đánh cược với số phận. Biết bao giờ những vùng quê nghèo có đủ công ăn việc làm cho người dân. Để không ai còn phải xa quê, để không phải chịu những ngày tìm đường về quê, rất gần mà quá xa…
Thủy Ngân