10:04, 08/04/2020

Những quy định ngư dân cần ghi nhớ

Khánh Hòa là địa phương có nghề khai thác, đánh bắt thủy sản phát triển mạnh ở khu vực miền Trung. Qua rà soát của ngành Thủy sản, toàn tỉnh hiện có khoảng 4.079 tàu, trong đó tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 814 tàu; sản lượng thủy sản khai thác hàng năm đạt hơn 96.000 tấn, lao động trực tiếp khai thác thủy sản khoảng 33.000 người.

Khánh Hòa là địa phương có nghề khai thác, đánh bắt thủy sản phát triển mạnh ở khu vực miền Trung. Qua rà soát của ngành Thủy sản, toàn tỉnh hiện có khoảng 4.079 tàu, trong đó tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 814 tàu; sản lượng thủy sản khai thác hàng năm đạt hơn 96.000 tấn, lao động trực tiếp khai thác thủy sản khoảng 33.000 người. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 44 doanh nghiệp tham gia chế biến, xuất khẩu thủy sản đến 64 thị trường trên thế giới. Chính vì thế, việc thực hiện nghiêm kế hoạch hành động quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), khắc phục thẻ vàng IUU của Ủy ban châu Âu (EC) đối với Việt Nam và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về chống khai thác IUU sẽ giúp nghề cá tỉnh phát triển bền vững.


Để đẩy mạnh triển khai các giải pháp khắc phục “thẻ vàng”, chống khai thác IUU, hàng loạt giải pháp nhằm cải thiện nghề cá đã được các ngành, địa phương tích cực triển khai. Trong đó, có việc lập danh sách, tăng cường theo dõi, quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa, xuất nhập bến tại các địa phương; phối hợp chia sẻ thông tin kịp thời, tập trung nâng cao nhận thức cho ngư dân; kiểm soát hoạt động tàu cá; đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản... Nhờ đó, việc chống khai thác IUU, khắc phục “thẻ vàng” trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả tích cực. Đến nay, nghề cá tỉnh dần được vận hành theo đúng quy định của Luật Thủy sản, các khuyến cáo của EC. Đặc biệt, tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã chấm dứt từ cuối năm 2018; việc kiểm soát, truy xuất, xác nhận nguồn gốc thủy sản được thực hiện nghiêm túc; việc quản lý hoạt động của tàu cá cũng hiệu quả hơn…


Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, để thực hiện chống khai thác IUU, khắc phục “thẻ vàng” hiệu quả, trực tiếp vẫn là ngư dân khai thác trên biển. Vì vậy, mỗi chủ tàu cá, ngư dân cần ghi nhớ các quy định tối thiểu khi ra khơi. Theo đó, tàu cá hoạt động trên biển phải có Giấy phép khai thác thủy sản; treo cờ Việt Nam khi hoạt động. Trong quá trình khai thác, tuyệt đối không sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm; không vi phạm về khai thác bất hợp pháp; có trách nhiệm tham gia cứu hộ, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển. Đối với tàu cá từ 12m trở lên phải ghi nhật ký khai thác và nộp theo quy định; tàu từ 15m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình; thiết bị hoạt động liên tục 24/24 giờ sau khi rời cảng. Thiết bị giám sát hành trình phải kết nối với Hệ thống Giám sát tàu cá tại Trung ương và 28 tỉnh ven biển; tự động truyền qua hệ thống vệ tinh tối thiểu 2 giờ/lần (đối với tàu 24m trở lên) và 3 giờ/lần đối với các tàu 15 - 24m; dữ liệu giám sát tàu cá được sử dụng làm căn cứ xử phạt, xử lý tranh chấp trên biển, nên thiết bị phải lưu trữ được số lượng vị trí tối thiểu theo chuyến biển để hỗ trợ giải quyết. Tàu cá trước khi cập cảng phải thông báo cho cảng cá ít nhất 1 giờ. Đối với tàu cá khai thác ngoài vùng biển Việt Nam phải có mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế và có văn bản chấp thuận hoặc giấy phép của Tổng cục Thủy sản.


BÍCH LA