Hiện nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tình trạng vay không thế chấp, cho vay nặng lãi… mà mọi người quen gọi là tín dụng đen, phát triển rất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tình trạng vay không thế chấp, cho vay nặng lãi… mà mọi người quen gọi là tín dụng đen, phát triển rất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội. Chưa khi nào mà những “quảng cáo cột điện”, phát tờ rơi nơi các chốt đèn giao thông… về cho vay tiêu dùng, cho vay không cần thế chấp lại nảy nở nhiều đến vậy.
Nhu cầu vay vốn làm ăn, nhu cầu khám, chữa bệnh hoặc gặp khi xui rủi bị tai nạn bất ngờ, những khoản chi tiêu đột xuất trong cuộc sống… khiến cho nhiều gia đình, nhất là những gia đình nghèo đành phải tìm đến với những khoản cho vay này. Dù biết là lãi suất cho vay thuộc hàng “cắt cổ” và điều kiện xiết nợ mang nặng mùi xã hội đen, nhưng còn biết dựa vào đâu?
Hiện nay, mạng lưới ngân hàng đã bao phủ khắp các địa phương trên toàn tỉnh. 38 chi nhánh tổ chức tín dụng, 4 quỹ tín dụng nhân dân với 165 điểm giao dịch, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đoàn thể xây dựng được 1.132 tổ vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội có tới 2.598 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Mạng lưới đã phủ như vậy, nhưng tại sao người dân vẫn tìm đến với tín dụng đen, và loại tín dụng này vẫn nở rộ?
Mới đây, trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn có bài viết “Tín dụng đen sẽ “trường tồn” (https://www.thesaigontimes.vn/286445/tin-dung-den-se-truong-ton-.html). Bài viết có chỉ ra thực tế một đất nước như Singapore mà hiện nay, tín dụng đen vẫn có dư đất để hoạt động, gọi là loansharking và khẳng định ở Việt Nam cũng sẽ là như vậy. Hy vọng dùng tín dụng ngân hàng (và kể cả tài chính vi mô, tài chính, tín dụng tiêu dùng, cho vay ưu đãi người nghèo...) để chống, loại trừ tín dụng đen sẽ luôn chỉ là hy vọng, vì tín dụng ngân hàng không bao giờ bao phủ được toàn bộ thị trường tín dụng gồm cả tín dụng phi chính thức. Có chăng, chỉ nên hy vọng, một cách có cơ sở hơn, là tín dụng chính thức từ ngân hàng, tổ chức tài chính sẽ góp phần hạn chế sự phát triển của tín dụng đen.
Chính vì thế, chúng ta thật hy vọng khi Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa thông báo trong thời gian tới, sẽ tăng cường phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh để trao đổi thông tin, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động tín dụng cũng như các chương trình, chính sách tín dụng của ngân hàng nhằm đảm bảo cho người dân, nhất là đối tượng khó khăn được tiếp cận nhiều hơn nữa các dịch vụ tài chính.
Và người dân, trước những điều kiện cho vay dễ dãi của các tổ chức tín dụng đen, xin hãy cẩn trọng, suy nghĩ cho kỹ trước khi nhận vay, bởi nguy cơ mất nhà, nguy cơ bị xã hội đen xử… là điều đón chờ nếu không kịp trả nợ.
Thủy Ngân