VNEN được viết tắt từ Viet Nam Escuela Nueva, đây là một dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam, có khởi nguồn từ Colombia từ những năm 1995 - 2000 để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm.
VNEN được viết tắt từ Viet Nam Escuela Nueva, đây là một dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam, có khởi nguồn từ Colombia từ những năm 1995 - 2000 để dạy học trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm.
Trên thực tế, việc thực hiện VNEN ở Việt Nam còn có quá nhiều bất cập, không phù hợp, từ cơ sở vật chất, nội dung cho tới phương pháp dạy học, xét tuyển... Đơn cử như mỗi năm có tới hàng nghìn học sinh cấp tiểu học tốt nghiệp VNEN nhưng khi bước vào lớp 6, cấp THCS thì phải quay lại học theo cách truyền thống. Bên cạnh đó, phần lớn giáo viên đứng lớp cho rằng cách dạy và học theo mô hình thí điểm VNEN không phù hợp với nhiều môn học đối với học sinh THCS tại Việt Nam. Khánh Hòa là địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đánh giá cao trong thực hiện mô hình thí điểm giáo dục VNEN. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, việc thực hiện thí điểm VNEN tại Khánh Hòa được triển khai một cách tích cực; số trường thí điểm tăng nhanh. Thực hiện từ năm học 2011 - 2012, đến nay, Khánh Hòa có tới 55 trường tiểu học, 4 trường THCS, với khoảng 30.000 học sinh theo mô hình giáo dục VNEN…
Đứng trước nhiều ý kiến bức xúc về hiệu quả mô hình VNEN, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị phải tiến hành lấy ý kiến phản biện đối với mô hình VNEN. Dựa trên cơ sở thực tiễn và ý kiến các tầng lớp nhân dân, ngày 10-12-2018, Sở GD-ĐT Khánh Hòa ban hành văn bản số 2539 hướng dẫn kế hoạch chuyển hình thức dạy theo mô hình VNEN về hình thức dạy học hiện hành đối với tất cả các trường đang dạy mô hình VNEN trên địa bàn tỉnh từ năm học 2019 - 2020.
Vậy là câu chuyện VNEN ở Khánh Hòa đã khép lại. Sẽ không có lớp học mới bắt đầu từ VNEN. Nhưng, những lớp đang học VNEN dang dở thì sao? Rõ ràng, VNEN đang để lại những hậu quả vô cùng to lớn mà học sinh và phụ huynh là những người trực tiếp gánh chịu. Sự khập khiễng trong kiến thức, trong phương pháp tư duy giữa hai hướng giáo dục khiến học sinh gặp nhiều khó khăn trong học tập, thực hành. Để khắc phục điều này không phải dễ. Hoặc như chuyện sách giáo khoa, từ năm học 2019 - 2010, toàn ngành sẽ sử dụng bộ sách giáo khoa hiện hành, dừng sử dụng bộ sách hướng dẫn từ lớp 2 đến lớp 5 của mô hình VNEN. Phụ huynh và học sinh rồi lại phải lao đao trong câu chuyện mua sắm sách giáo khoa cho con em mình.
Có điều rất đáng suy nghĩ là dù bị phản ứng ngay từ đầu, VNEN vẫn cứ được triển khai thực hiện. Hiện nay, thực tế cho thấy, chương trình VNEN đang bế tắc. Nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã mạnh dạn chấm dứt thực hiện VNEN. Nhưng, cho tới thời điểm này, vẫn còn nhiều tỉnh, thành vẫn cứ băn khoăn, không biết nên dừng hay tiếp tục triển khai mô hình này, thậm chí còn triển khai mở rộng. Tại sao không có sự thống nhất trên cả nước? Vai trò, trách nhiệm của ngành chủ quản ở đâu?
Chúng ta đều biết, giáo dục phải dựa trên nguyên tắc thực nghiệm, không được phép thí điểm một cách đại trà như vậy. Mỗi sai sót, khiếm khuyết trong chương trình thí điểm sẽ để lại tác hại khôn lường trong tương lai của nhiều thế hệ học sinh. Có lẽ, ngành GD-ĐT cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ chương trình VNEN khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, thực hiện chương trình môn học mới theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học sẽ được áp dụng trên toàn quốc bắt đầu từ năm học 2019 - 2020.
Tất cả đều phải có bước chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo và phải được các tầng lớp nhân dân đồng thuận cao.
PHONG NGUYÊN