Tại buổi lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời đầu tuần này, ở một trường tiểu học thuộc huyện Khánh Sơn, nhà trường đã lồng ghép tổ chức một hội thi xếp sách nghệ thuật trong chương trình của liên đội.
Tại buổi lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời đầu tuần này, ở một trường tiểu học thuộc huyện Khánh Sơn, nhà trường đã lồng ghép tổ chức một hội thi xếp sách nghệ thuật trong chương trình của liên đội. Mới đầu, có người hoài nghi về sự thành công của chương trình, bởi ở một trường miền núi đông học sinh người dân tộc thiểu số, các em không có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với sách; càng không có cơ hội mở mang nhiều về nghệ thuật. Vậy nhưng, với cùng lượng sách như nhau do thư viện nhà trường cung cấp, những tác phẩm mà các em nhỏ tự tay thực hiện đã khiến nhiều người ngỡ ngàng: bàn này nở rộ bông hoa sách, bàn kia sách xòe khéo léo như chiếc quạt… Nhưng thú vị nhất không phải lúc chiêm ngưỡng các tác phẩm đã hoàn tất, mà là khi nhìn các em nhỏ say sưa dồn tâm trí hoàn thành tác phẩm chung của lớp: nào cùng thảo luận, thống nhất, rồi lựa từng bìa sách, chuyền tới bạn được tin tưởng khéo tay nhất để khẽ khàng bày lên bàn; rồi ngắm gần, ngắm xa, góp ý… Hay nữa là các em còn thuyết trình ý tưởng, chủ đề cho tác phẩm của mình với tâm thức hướng thiện.
Câu chuyện mà phụ huynh ở một trường THCS thuộc TP. Nha Trang bàn luận rôm rả trên mạng xã hội cũng liên quan đến tính chủ động, tích cực của học sinh. Trung thu vừa qua, nhiều hội phụ huynh đã phối hợp nhà trường bày cỗ trông trăng cho các em. Những mâm cỗ Trung thu được phụ huynh đăng tải quả rất đẹp, rất hoành tráng. Có người băn khoăn về sự lãng phí khi bày mâm cỗ cầu kỳ đến vậy; lại có sự hỗ trợ đắc lực của phụ huynh. Số khác nói cần để các em tự làm để giáo dục lòng yêu lao động nghệ thuật, trân trọng thành quả làm ra. Các bậc cha mẹ “đón Trung thu” thay sẽ khiến các con thụ động, ỷ lại… Một số lại cho rằng, tổ chức bày cỗ là cần thiết để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Cho dù ai làm, thậm chí thuê người làm, cũng đều nhằm tạo ra sản phẩm nghệ thuật để giúp các em tiếp cận với nghệ thuật, rèn cảm thụ cái đẹp. Nếu để các em tự làm, với khả năng có hạn, các em khó có được một mâm cỗ đầy tính nghệ thuật, sẽ thiệt thòi. Có điều, không nên chạy đua, phải tùy điều kiện từng lớp, từng nơi…, cốt ở giá trị mang lại cho các em sau khi tham gia hoạt động tập thể.
Ngành Giáo dục khuyến khích học sinh học chủ động ngay từ cấp tiểu học với phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Các em cần rèn luyện khả năng đáp ứng các nhu cầu cụ thể của cuộc sống, từ tự chuẩn bị thức ăn, vệ sinh, đến tự nhận thức, tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, ứng phó với các tình huống, biết cảm thông, quyết định, giao tiếp, thương thuyết hiệu quả, kỹ năng tổ chức, quản lý tài chính cá nhân… Rèn tính tự giác, chủ động cho học sinh là việc làm cần thiết để các em hình thành thói quen tích cực, tự mình tìm kiếm, tổng hợp, phát huy năng lực trong tiếp thu kiến thức mới. Xem các em nhỏ miền núi trình bày những tác phẩm nghệ thuật, mới thấy, khi người lớn dám tin tưởng trao cho học sinh quyền chủ động, các em sẽ tặng lại thầy cô nhiều sáng tạo bất ngờ.
Học chủ động, suy cho cùng, chính là để sống tích cực.
TAM THUẬT