Trong chương trình nghị sự, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) thảo luận, cho ý kiến về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; phân tích, dự báo bối cảnh tình hình mới ở trong nước, khu vực và thế giới để đề xuất Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong chương trình nghị sự, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) thảo luận, cho ý kiến về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; phân tích, dự báo bối cảnh tình hình mới ở trong nước, khu vực và thế giới để đề xuất Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Liên quan đến lĩnh vực này, theo đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” của Tỉnh ủy, các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa, xã hội khu vực ven biển, hải đảo đã đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó nổi bật là việc đầu tư phát triển đồng bộ vùng biển và ven biển, chú trọng xây dựng vùng bờ vững mạnh, từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, đảo. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển, nhất là hệ thống cảng biển, đường giao thông kết nối còn yếu, lạc hậu, chưa tạo thế liên kết các thành phố, khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn. Hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ biển; đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ven biển còn ít về số lượng, nhỏ về quy mô. Những hạn chế nói trên đã có tác động không nhỏ tới chất lượng thực hiện Chiến lược biển.
Xuất phát từ thực tế đó, đồng chí Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các sở, ngành liên quan phải tham mưu định hướng, chính sách khai thác thủy sản bền vững; chú trọng phát triển đồng bộ đội tàu đánh bắt xa bờ; tổ chức tuyên truyền sâu rộng về kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện Chiến lược biển. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền về biển, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí chiến lược của biển và hải đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có nội dung xây dựng Đặc khu Hành chính - kinh tế Bắc Vân Phong và phát triển kinh tế tại vùng bán đảo Cam Ranh.
Có thể thấy, việc ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược biển Việt Nam không chỉ xuất phát từ thực tiễn Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 sắp sửa tới hạn mà còn từ nhiều lý do khách quan, chủ quan khác như: tình hình quốc tế, khu vực và trong nước đã và đang có nhiều thay đổi, đòi hỏi phải bổ sung, phát triển về quan điểm và điều chỉnh mục tiêu, định hướng cụ thể phát triển nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế biển.
Thế kỷ XXI được coi là kỷ nguyên của đại dương. Vươn ra biển đang là xu thế, định hướng quan trọng của các quốc gia có biển và cả các quốc gia không có biển. Làm thế nào để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển theo mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam? Cho tới thời điểm này, ấy vẫn là một câu hỏi khó, rất khó.
PHONG NGUYÊN