Chúng ta đều biết, cơn bão số 12 đã gây thiệt hại nặng nề về người và của trên địa bàn tỉnh. Trong số đó, có một thiệt hại mà việc khắc phục sẽ rất lâu dài, gian khổ: số hộ nghèo tăng đột biến.
Chúng ta đều biết, cơn bão số 12 đã gây thiệt hại nặng nề về người và của trên địa bàn tỉnh. Trong số đó, có một thiệt hại mà việc khắc phục sẽ rất lâu dài, gian khổ: số hộ nghèo tăng đột biến.
Theo kế hoạch, hết năm 2017, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 5,71% (16,5 nghìn hộ), mức giảm này xấp xỉ con số năm 2016, khoảng 1,7%. Cơn bão số 12 quét qua, ước cuối năm 2017, toàn tỉnh có 28,7 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 9,94% tổng số hộ trên địa bàn. Chính vì vậy, chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn năm 2017 đã không đạt được.
Chúng ta đang có những bước xóa nghèo khá bền vững. Với quyết tâm cao, luôn coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, Khánh Hòa đã xây dựng cho riêng mình bộ tiêu chí hộ nghèo. Mỗi năm Khánh Hòa huy động hơn 2.000 tỷ đồng thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Trong số vốn nói trên, Khánh Hòa tập đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất tại các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn; đa dạng hóa sinh kế; nhân rộng mô hình giảm nghèo... Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm đều qua các năm.
Khó khăn gặp phải hiện nay của Khánh Hòa trong công tác giảm nghèo là nguồn lực đầu tư cho công tác này còn chưa đáp ứng được nhu cầu, do tỉnh thuộc diện tự cân đối ngân sách; đối tượng hộ nghèo chủ yếu rơi vào 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, là vùng có tỷ lệ hộ nghèo khá cao, tới hơn 60%; tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Cơn bão số 12. Nhà sập. Cây trái hư hỏng. Lồng bè tan nát. Công nhân phải nghỉ chờ việc. Nhiều hộ thoát nghèo lại trở thành nghèo. Nhiều hộ không nghèo, thậm chí khá giả, bỗng chốc hóa nghèo. Trong điều kiện bình thường, việc thoát nghèo đã rất gian nan. Hiện nay, nhà cửa không còn, tư liệu sản xuất không còn, việc thoát nghèo là bội phần gian nan. Phải mất rất nhiều năm mới khôi phục được những diện tích rừng trồng, những vườn cây ăn trái. Phải tốn rất nhiều tiền mới đóng lại được con tàu, sửa lại lồng bè. Nợ cũ ngân hàng chưa trả được. Vay mới làm sao?
Phương án khoanh nợ cho hộ nghèo, cận nghèo và khó khăn bị thiệt hại do bão đang được đặt ra. Dự tính toàn tỉnh có khoảng 7.000 hộ được khoanh nợ với tổng số tiền hơn 150 tỷ đồng. Khoanh nợ là hợp lý, hợp tình rồi. Câu chuyện còn lại, khó khăn hơn nhiều so với khoanh nợ, chính là phương án cho các hộ này vay lại như thế nào, để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Mà để làm được việc này, phải có cơ chế phù hợp cho ngành Ngân hàng, các tổ chức tín dụng.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 được HĐND tỉnh xác định là phải thực hiện tốt công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 12, ưu tiên các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách. Tỉnh tiếp tục thực hiện các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chính sách an sinh xã hội, ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ người nghèo, các hộ khó có khả năng thoát nghèo… Trong đó, tạo cơ chế khuyến khích cho vay theo nhóm hộ, theo dự án vùng và tiểu vùng nhằm từng bước nâng tầm quy mô sản xuất của người nghèo; nâng cao thu nhập giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Đối với 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Khánh Hòa đang tính toán đưa vào diện được hưởng các chính sách như các huyện thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững (Chương trình 30a).
HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua nghị quyết năm 2018 mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đạt 1,5%. Để đạt được mục tiêu này, như trên đã phân tích, là rất khó khăn, đòi hỏi quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị và cả người dân.
PHONG NGUYÊN