05:06, 23/06/2017

Quy hoạch đô thị

Theo chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đến năm 2025, toàn tỉnh Khánh Hòa là đô thị loại I trực thuộc Trung ương. TP. Nha Trang, đến năm 2020 sẽ trở thành đô thị hạt nhân, đô thị trung tâm, góp phần vào sự phát triển của tỉnh.

Theo chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đến năm 2025, toàn tỉnh Khánh Hòa là đô thị loại I trực thuộc Trung ương. TP. Nha Trang, đến năm 2020 sẽ trở thành đô thị hạt nhân, đô thị trung tâm, góp phần vào sự phát triển của tỉnh.


Mới đây, tại buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với lãnh đạo TP. Nha Trang, nhiều kiến nghị về phát triển đô thị đã được đặt ra, trong đó có việc đề xuất điều chỉnh lại quy hoạch chung xây dựng cho phù hợp với tình hình mới và có những dự báo dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là điều cần thiết, bởi quy hoạch là để cho tương lai, cần tầm nhìn rộng. Tại cuộc họp, Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất với kiến nghị của TP. Nha Trang và UBND tỉnh sẽ xúc tiến thuê đơn vị tư vấn nước ngoài để thực hiện. Như vậy, chiến lược xây dựng Nha Trang thành một đô thị hiện đại, một thành phố đáng sống đang được lãnh đạo chính quyền hết sức quan tâm và nỗ lực thực hiện.


Bên cạnh những giải pháp căn cơ, vấn đề đặt ra ở đây là quy hoạch xây dựng phải đi đôi với phát triển bền vững. Có nhiều tiêu chí bền vững trong quá trình đô thị hóa, trong đó có các yếu tố về kinh tế, cơ sở hạ tầng, dịch vụ đô thị, trình độ dân trí, trình độ quản lý phát triển đô thị… Từ thực tiễn quản lý, có thể thấy việc phát triển đô thị ở nước ta hiện nay còn vướng nhiều hạn chế, như: bộ mặt kiến trúc cảnh quan đô thị còn lộn xộn, thiếu thẩm mỹ; tài nguyên đất bị khai thác triệt để để xây dựng đô thị, diện tích cây xanh và mặt nước bị thu hẹp; hệ thống hạ tầng đô thị bị quá tải gây nên các hiện tượng tắc nghẽn giao thông, úng ngập… TP. Nha Trang cũng không phải là ngoại lệ. Đặc biệt, cũng phải nhìn nhận công tác quản lý đô thị còn chưa theo kịp thực tiễn, chưa đáp ứng xu thế phát triển đô thị; công tác khớp nối hạ tầng kỹ thuật, không gian, kiến trúc đô thị còn nhiều hạn chế; kết nối hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội triển khai chậm, thiếu đồng bộ, công tác quản lý môi trường đô thị chưa chặt chẽ. Bài toán này đặt ra cho các nhà quản lý, quy hoạch những vấn đề cần giải quyết một cách đồng bộ, hiệu quả, từ đó mới thực hiện được chiến lược đưa Nha Trang trở thành một đô thị phát triển bền vững, thành một đô thị đáng sống trong tương lai.


Tất nhiên, không thể thiếu việc huy động sự tham gia của cộng đồng người dân đô thị trong công tác quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị. Trên thế giới, có rất nhiều quốc gia xây dựng đô thị hiện đại thành công, ngoài các yếu tố về quản lý, xây dựng, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố con người. Như đô thị Yokohama - một trong những đô thị hiện đại nhất của Nhật Bản, khi xây dựng chiến lược quy hoạch, chính quyền Yokohama đã triển khai một loạt các dự án phát triển và các biện pháp điều tiết, nhằm bảo đảm có tính đồng bộ và nhất quán với nhau, thực hiện dài hạn cũng như có sự tham gia chủ động của người dân. Nhờ đó, Yokohama đã thay đổi hoàn toàn từ một đô thị có môi trường sống suy thoái thành một đô thị đáng sống, thân thiện với môi trường, có cơ sở kinh tế vững mạnh. Chúng ta cũng nên học tập những mô hình này, nhất là khi vài năm trở lại đây, TP. Nha Trang đã có nhiều biểu hiện quá tải, nhất là về hạ tầng giao thông.


Nha Trang là thành phố có nhiều tiềm năng. Chúng ta không quá kỳ vọng xây dựng Nha Trang phát triển như một số thành phố nổi tiếng trong khu vực châu Á. Làm sao để Nha Trang phát triển nhưng bền vững, giữ được bản sắc mới là điều người dân mong muốn, quan tâm. Chính vì thế, công tác quản lý đô thị, quy hoạch đô thị luôn đặt ra những yêu cầu cao, đòi hỏi chính quyền và các nhà quản lý có nhiều giải pháp đồng bộ, mang tầm nhìn chiến lược, tránh được những khiếm khuyết trong phát triển đô thị, để trong tương lai Nha Trang luôn là một thành phố hiện đại, thành phố đáng sống.


HẢI NGUYỆT