22:07, 15/08/2023

Sáng niềm tin vào Đảng
Kỳ 1: Nghị quyết “đưa dân xuống núi”

THÁI THỊNH

Những năm qua, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm đến công tác phát triển đảng viên, xây dựng các tổ chức cơ sở đảng vững mạnh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Với truyền thống cách mạng hun đúc qua nhiều thế hệ, tấm lòng sắt son theo Đảng, tin yêu Bác Hồ, những đảng viên ĐBDTTS luôn ra sức phụng sự quê hương.

Kỳ 1: Nghị quyết “đưa dân xuống núi”

Muốn dân tin vào Đảng, muốn vận động được quần chúng thì phải làm cho đời sống của người dân được ấm no. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy và cả hệ thống chính trị tỉnh, ĐBDTTS năm xưa từng sống du canh du cư đã được đưa về các Khu tái định cư (TĐC), cấp đất sản xuất, dựng xây cuộc sống mới. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, đời sống người dân ấm no, hạnh phúc, thắp sáng lên niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

An cư lạc nghiệp

Sau mấy chục năm dựng nhà tạm bợ sống ven các triền núi ở phía đông đèo Khánh Sơn, cuối năm 2019, hàng chục hộ ĐBDTTS đã được UBND tỉnh cùng địa phương đưa xuống núi để ổn định cuộc sống trong Khu TĐC Dốc Trầu (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn). Khi màn đêm buông xuống, đèn điện đã về đến tận từng nếp nhà, đã biến ước mơ của người Raglai nơi đây thành hiện thực. Trong thành quả ấy, có công sức không nhỏ của những đảng viên ĐBDTTS đã làm cầu nối đi tuyên truyền, vận động đồng bào mình xuống núi định cư ròng rã gần 40 năm, bắt đầu từ năm 1980 đến cuối năm 2019.

 
Khu TĐC thôn Dốc Trầu (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn) đón người Raglai xuống núi sau nhiều năm lang bạt.
Khu tái định cư thôn Dốc Trầu (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn).

Trò chuyện với chúng tôi, ông Mấu Quốc Nấm - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ba Cụm Bắc, một trong những người tham gia vận động đồng bào Raglai xuống núi năm xưa không giấu được sự xúc động. Ông Nấm nhớ lại, năm 1980, lúc đó ông còn hoạt động công tác đoàn ở xã. "Do thông thạo địa hình, tôi cùng các thành viên trong ban định canh, định cư của huyện đi ngược lên núi để tìm gặp người dân. Đại ngàn bao la, người Raglai không sống tập trung một chỗ, mà lác đác khắp lưng chừng núi. Chúng tôi đến từng nhà dân, người có uy tín trong đồng bào để ra sức thuyết phục suốt nhiều năm” - ông Nấm kể.

Ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện đã rà soát nắm bắt tình hình dân cư, xác định việc đưa ĐBDTTS xuống núi để định canh, định cư ổn định cuộc sống là một trong những nhiệm vụ quan trọng và đưa nội dung này vào trong nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn đó. UBND huyện đã thành lập ban định canh, định cư gồm các cán bộ chủ chốt của huyện, phối hợp cùng các già làng, trưởng bản, với nòng cốt là lực lượng đảng viên ĐBDTTS để đi lên núi vận động, thuyết phục người dân. 

 
Sầu riêng trĩu quả trên vùng đất xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn).
Sầu riêng trĩu quả trên vùng đất xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn).

Mưa dầm thấm lâu, thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, năm 1995, người Raglai đã đồng ý xuống núi. Thế nhưng, vốn quen sống gắn bó với rừng, dù được Nhà nước cấp đất, hướng dẫn sản xuất song người Raglai không quen làm lúa nước và trồng trọt như người Kinh nên chỉ ở được 1 năm thì bỏ đất, bỏ nhà lên núi sống. Việc vận động vẫn tiếp tục bền bỉ; Nhà nước quan tâm hỗ trợ làm nhà, tặng nhu yếu phẩm, thuê xe chở lên tận núi cho người dân. Đến năm 2015, từ đề án của Chính phủ, UBND tỉnh cùng huyện Khánh Sơn đã quy hoạch bài bản, xây Khu TĐC Dốc Trầu, với 30 nhà ở cho các hộ thuộc diện di dời, làm đường giao thông, hệ thống điện thắp sáng, nước sinh hoạt… với tổng mức đầu tư hơn 27,7 tỷ đồng. Cuối năm 2019, Khu TĐC Dốc Trầu hoàn thành, ban đầu chỉ có một số thanh niên người Raglai về sinh sống trước. Sau đó, thấy cuộc sống ổn định, được Nhà nước cấp đất, cấp nhà, dạy cách trồng trọt, năm 2020 đã có 21 hộ sinh sống tại khu vực rừng phòng hộ xung yếu phía đông đèo Khánh Sơn yên tâm xuống núi. Đến nay, đã có hơn 30 hộ thuộc diện TĐC chuyển về, trong đó có 14 hộ được cấp 1ha đất sản xuất/hộ.

Tương tự huyện Khánh Sơn, sau khi Khu TĐC Bố Lang (xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh) hoàn thành năm 2017 (với tổng mức đầu tư và tiền đền bù giải tỏa 23 tỷ đồng) đã đón 142 hộ, phần lớn là ĐBDTTS T’rin đến sinh sống ổn định. Ông Mấu Văn Phi - Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh chia sẻ, người T’rin ở xã Sơn Thái nhiều năm sinh sống ở những khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất dọc sông Cái, nhà cửa lụp xụp, mỗi khi mùa mưa bão tới lại đối mặt với cảnh “màn trời chiếu đất”. Do đó, khi tỉnh bắt đầu có chủ trương xây dựng Khu TĐC Bố Lang, huyện đã thành lập các ban tuyên truyền, vận động với lực lượng chính là cán bộ, đảng viên người DTTS ở địa phương đến từng nhà để thuyết phục. Để an cư cho người T’rin, mỗi hộ được nhận 240m2 đất, có nhà ở và 10 triệu đồng tiền hỗ trợ. Cùng với đó, UBND huyện Khánh Vĩnh đã xin chủ trương và thực hiện bóc tách 34ha đất rừng sản xuất để giao cho người dân canh tác; cử cán bộ khuyến nông đến dạy người dân trồng xoài, mít… để mang lại nguồn thu nhập lâu dài. Điều đáng mừng hơn, hôm chúng tôi dừng chân tại các điểm tham quan, bán đồ lưu niệm, đặc sản vùng cao trên tuyến du lịch Khánh Hòa - Lâm Đồng qua xã Sơn Thái, đã thấy nhiều bạn trẻ người T’rin đang làm hướng dẫn viên và bán hàng, có thu nhập ổn định. 

Và không chỉ riêng Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, những năm qua, các vùng ĐBDTTS ở các địa phương: Ninh Hòa, Cam Ranh, Cam Lâm, Diên Khánh đã được Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư bài bản, toàn diện về nhà ở, hệ thống giao thông, điện, đường, trường học… để ĐBDTTS an cư trên vùng đất mới.

Khởi sắc vùng cao

Sau khi đón ĐBDTTS về ổn định cuộc sống tại các khu TĐC, nhiệm vụ tiếp theo được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm trong những năm qua đó là đầu tư phát triển hạ tầng, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân. Tinh thần đó đã được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi là một trong 4 chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm. Đến nay, 100% đường giao thông đến trung tâm xã và thôn được thảm nhựa hoặc bê tông; 100% trường, lớp trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99,9% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; 95% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Anh Nông Văn Dung, người đồng bào dân tộc Nùng trồng bưởi da xanh ở xã Khánh Nam (huyện Khánh Vĩnh)
Ông Nông Văn Dung, người dân tộc Nùng trồng bưởi da xanh ở xã Khánh Nam (huyện Khánh Vĩnh).
Cung đường lên huyện Khánh Sơn - Ảnh: Đam San
Cung đường lên huyện Khánh Sơn. Ảnh: Đam San

Tuy chất lượng cuộc sống của ĐBDTTS đã được cải thiện nhưng tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trong ĐBDTTS theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 là 44%, chiếm 71% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh, chủ yếu tập trung ở 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Từ thực tế đó, câu hỏi làm sao đưa hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thoát nghèo, để miền núi bắt kịp miền xuôi luôn là nỗi trăn trở của lãnh đạo tỉnh. Ngày 5-12-2022, UBND tỉnh phê duyệt Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 của huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, với tổng kinh phí thực hiện đề án tại 2 huyện gần 3.000 tỷ đồng, mục tiêu đặt ra là tỷ lệ hộ nghèo 2 huyện giảm từ 7% trở lên/năm. Tỷ lệ này cao hơn chỉ tiêu trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09, ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là giai đoạn 2021 - 2025, huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh phấn đấu mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 4% - 5%/năm. Điều đó thể hiện sự quan tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị tỉnh đối với việc đưa các vùng ĐBDTTS và miền núi thoát nghèo. 

Khu tái định cư thôn Dốc Trầu (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn).

Theo ông Mấu Thái Cư - Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn, trên tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, qua 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Khánh Sơn lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện đã chỉ đạo thực hiện chuyển đổi diện tích cây trồng hàng năm và cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Từ năm 2020 đến 2022, trên địa bàn huyện đã chuyển đổi được gần 264,6ha; trong đó sầu riêng là cây trồng chủ lực. Việc xây dựng thương hiệu, chế biến nông sản, đăng ký sản phẩm OCOP, đăng ký mã vùng trồng đã và đang được các nhà vườn, doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm triển khai thực hiện tốt. Đến nay, huyện đã có 4 mã vùng trồng sầu riêng được cấp với diện tích 145ha. Huyện đang tiếp tục đăng ký 22 mã với tổng diện tích 589ha trong năm 2023. Về giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp, năm 2022 được hơn 413 tỷ đồng, tăng 17,37% so với năm 2021. Về xu hướng sản xuất nông nghiệp, diện tích cây trồng hàng năm giảm, cây trồng lâu năm tăng. 

Ông Mấu Quốc Nấm – nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Ba Cụm Bắc trực tiếp đi vận động để đưa dân xuống núi ròng rã hơn 20 năm.
Ông Mấu Quốc Nấm - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ba Cụm Bắc, từng nhiều năm ròng rã vận động người dân định canh, định cư.

Tại huyện Khánh Vĩnh, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện đã ban hành 90 quyết định giao đất không thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân là hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất trên địa bàn huyện với diện tích gần 70ha. Về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ước đến cuối năm 2023, bình quân trên toàn huyện đạt 13,23 tiêu chí/xã, tăng bình quân 2,23 tiêu chí/xã so với năm 2020… 

Theo ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ nguồn ngân sách của Trung ương và địa phương, lồng ghép vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 đã cân đối bố trí cho Đề án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025 của huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh hơn 880 tỷ đồng (trong đó Khánh Sơn hơn 589 tỷ đồng, Khánh Vĩnh hơn 290,9 tỷ đồng); nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi nguồn vốn để người nghèo phát triển sản xuất, hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, giải quyết việc làm cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo… được triển khai đồng bộ đã mang lại hiệu quả cao.

 

Tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết số 24 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững của hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh ngày 25-7, ông NGUYỄN HẢI NINH - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đánh giá: Với sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành, địa phương, công tác thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo đối với các vùng ĐBDTTS và miền núi đang đi đúng hướng và có kết quả tích cực. Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt của Đảng và Nhà nước, trong thời gian tới, các địa phương vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh cần phải đa dạng hóa các mô hình sinh kế giảm nghèo; nâng cao tỷ lệ trẻ em đến trường, vì đây là thế hệ tương lai sẽ góp sức xây dựng quê hương. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân về lợi ích của việc giảm nghèo, khơi dậy ý chí quyết tâm giảm nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2025, hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đáp ứng tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo.

6 tháng đầu năm 2023, mức giảm tỷ lệ nghèo đa chiều đã đạt mục tiêu đề ra cho cả năm là hơn 7%/năm. Cụ thể, huyện Khánh Sơn mức giảm tỷ lệ nghèo đa chiều đạt 7,3%, hộ nghèo hiện nay là 2.458 hộ (đã giảm 514 hộ); huyện Khánh Vĩnh mức giảm tỷ lệ nghèo đa chiều là 7,72%, hộ nghèo hiện nay là 3.435 hộ (giảm 776 hộ). 

THÁI THỊNH

Kỳ 2: Những người con của Đảng ở buôn làng

Kỳ cuối: Tiếp tục nâng cao chất lượng phát triển đảng viên