09:03, 12/03/2023

Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo tờ trình, Khánh Hòa phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch biển quốc tế; đến năm 2050 trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước.
 

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo tờ trình, Khánh Hòa phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch biển quốc tế; đến năm 2050 trở thành trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước.
 
Tập trung phát triển các đô thị và Khu Kinh tế Vân Phong
 
Theo tờ trình, đến năm 2030, Khánh Hòa có 2 đô thị loại I là TP. Nha Trang và Đô thị mới Cam Lâm; 1 đô thị loại II là TP. Cam Ranh; 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và các đô thị loại V. Trong đó, TP. Nha Trang là đô thị hạt nhân; TP. Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống. Đồng thời, sẽ phát triển các khu dân cư nông thôn trên cơ sở triệt để tận dụng các điểm dân cư hiện hữu, tiết kiệm và hạn chế tối đa sử dụng đất canh tác, cải tạo chỉnh trang kết hợp xây dựng mới, bảo vệ môi trường bền vững. 
 

 

 Khu vực Nam Vân Phong được quy hoạch thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển.
Khu vực Nam Vân Phong được quy hoạch thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển.
 
Đặc biệt, tỉnh quy hoạch phát triển Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại; tổ chức không gian KKT Vân Phong thành 2 khu vực: Bắc Vân Phong và Nam Vân Phong. Trong đó, phát triển khu vực Bắc Vân Phong trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế. Khu vực này sẽ tập trung phát triển du lịch biển cao cấp để khai thác tối đa lợi thế về vị trí, cảnh quan của khu vực; kêu gọi đầu tư các khu nghỉ dưỡng hướng tới phân khúc khách hàng cao cấp, thiết kế hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và vận hành theo các tiêu chuẩn quốc tế về bền vững của ngành du lịch; xây dựng bến cảng đón tàu chở khách du lịch và du thuyền hạng sang; hình thành khu mua sắm miễn thuế phục vụ du khách. Còn khu vực Nam Vân Phong sẽ trở thành trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển. Khu vực này sẽ tập trung thu hút các dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các dự án công nghiệp trọng điểm với các ngành công nghiệp chủ lực, như: Công nghiệp công nghệ cao, năng lượng, đóng tàu; công nghiệp chế biến, chế tạo; các ngành công nghiệp phụ trợ.
 
Tại KKT Vân Phong sẽ hình thành hệ thống các khu, cụm công nghiệp hợp lý về không gian lãnh thổ, khai thác được tiềm năng, lợi thế của tỉnh và bảo đảm phát triển bền vững; phát triển đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp với hệ thống hạ tầng xã hội cùng các dịch vụ phục vụ người lao động. Đến năm 2030, quy hoạch 8 khu công nghiệp trong KKT Vân Phong, 6 khu công nghiệp ngoài KKT Vân Phong với tổng diện tích 4.440ha; 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 670ha.
 
Đối với các đô thị, quy hoạch chú trọng phát triển các loại hình trung tâm thương mại, siêu thị; cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tổng hợp; trung tâm hội chợ - triển lãm; phát triển các đường phố thương mại hiện đại và mang bản sắc văn hóa kinh doanh truyền thống. Tại khu vực nông thôn, sẽ nâng cấp và mở rộng mạng lưới chợ bán lẻ ở địa bàn các xã; hình thành các trục thương mại theo trục giao thông liên thôn, liên xã. Đồng thời, phát triển các trung tâm logistics để cung cấp đồng bộ dịch vụ hậu cần phân phối tại những địa điểm thuận lợi về giao thông, các đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm thương mại, khu vực cơ sở chế biến công nghiệp quy mô lớn.
 
Hướng đến những mục tiêu lớn
 
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao. Tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa là một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu của châu lục. 

 

 Khu vực phía tây Nha Trang là một trong những khu vực quan trọng trong định hướng phát triển của đô thị hạt nhân.
Khu vực phía tây Nha Trang là một trong những khu vực quan trọng trong định hướng phát triển của đô thị hạt nhân.
 
Để đạt được điều đó, Khánh Hòa phải nâng cao hơn nữa chất lượng công tác lập và triển khai các kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của tỉnh; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao thứ hạng của tỉnh trong bảng xếp hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh sẽ thành lập mới cơ quan xúc tiến đầu tư trực thuộc UBND tỉnh với cơ cấu tổ chức và nhân sự phù hợp, đảm nhận chức năng điều hành các hoạt động tiếp thị địa phương và hỗ trợ các nhà đầu tư quốc tế, tập trung vào các trụ cột phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; chú trọng thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp, như: Y tế, giáo dục, đào tạo nghề...
 
VĂN KỲ