09:09, 15/09/2022

Kỳ 3: Băng lên phía trước tạo đột phá

Khánh Hòa đã có những bước đi đầu tiên trong hành trình hiện thực hóa các nghị quyết của Trung ương. Tuy nhiên, để triển khai thắng lợi các định hướng của Bộ Chính trị, tỉnh vẫn còn rất nhiều việc phải làm, cần sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị cũng như tạo nên liên kết với các tỉnh lân cận.

Khánh Hòa đã có những bước đi đầu tiên trong hành trình hiện thực hóa các nghị quyết của Trung ương. Tuy nhiên, để triển khai thắng lợi các định hướng của Bộ Chính trị, tỉnh vẫn còn rất nhiều việc phải làm, cần sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị cũng như tạo nên liên kết với các tỉnh lân cận.

 

Cam Lâm sẽ trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.
Cam Lâm sẽ trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.

 

Sự cộng hưởng từ Nghị quyết

 

Chỉ trong một thời gian ngắn, với những công việc đã làm, lãnh đạo của tỉnh đang tạo nên một niềm tin rất lớn cho nhân dân về định hướng phát triển, chạm vào khát vọng vươn lên suốt nhiều năm qua. Nghị quyết 09 và Nghị quyết 55 đã và đang thực sự trở thành “luồng gió mới”, tạo sự khích lệ, động viên cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa phát triển kinh tế - xã hội. Trong 6 tháng đầu năm 2022, GRDP của tỉnh tăng 12,58%, tốc độ tăng trưởng đứng thứ 5 cả nước (chỉ đứng sau Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa và Quảng Nam), chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16,5%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,6%, đạt 40.550 tỷ đồng (tương đương 65,7% kế hoạch năm 2022); thu ngân sách nhà nước đạt 8.360 tỷ đồng, đạt 69,6% dự toán và tăng 15% so với cùng kỳ. Ngành du lịch của tỉnh đã có sự hồi phục ấn tượng, Nha Trang - Khánh Hòa dần trở thành điểm đến nổi tiếng đối với người dân cả nước cũng như khách du lịch quốc tế với doanh thu du lịch đạt 5.549,8 tỷ đồng, tăng 209,4% so với cùng kỳ (tương đương 138,74% kế hoạch năm 2022), số lượt khách lưu trú tăng 116,3%, thu hút 42,5 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 122,5% so với cùng kỳ; số lượng chuyến bay quốc nội đến sân bay Cam Ranh đã vượt qua đợt cao điểm năm 2019, một số chuyến bay quốc tế đã được tiếp tục khai thác trở lại. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 31,4%, đạt 790,1 triệu USD; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 11,3%, đạt 26.293 tỷ đồng; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước... Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm bảo đảm. 

 

Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo bộ, ngành, địa phương đi khảo sát tại huyện Cam Lâm
Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo bộ, ngành, địa phương đi khảo sát tại huyện Cam Lâm.

 

Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, để Khánh Hòa đạt được mục tiêu của Nghị quyết 09, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa cần phát huy hơn nữa tiềm năng kinh tế biển để Khánh Hòa trở thành một tỉnh mạnh về biển và giàu, đẹp từ biển. Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh theo hướng lấy kinh tế biển làm trọng tâm; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân và bảo đảm an ninh, chủ quyền biển đảo gắn với bảo tồn đa dạng sinh học biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích trong khai thác, sử dụng không gian biển. “Đồng thời, tỉnh cần đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh nằm trên trục giao thông chính Bắc Nam, tuyến giao thông đường bộ kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, cảng biển Vân Phong và sân bay Cam Ranh. Bên cạnh đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp và năng lượng mới ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; công nghiệp chế biến thủy, hải sản… và phát triển các đô thị ven biển theo hướng đô thị thông minh, bền vững. Từ đó, tạo ra sự đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, cải cách hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

 

Liên kết để phát triển

 

Theo các chuyên gia kinh tế, để Khánh Hòa có thể trở thành một cực tăng trưởng, ngoài tận dụng tốt các chính sách, cơ chế đặc thù, đã đến lúc Khánh Hòa phải chú trọng liên kết vùng, phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của tỉnh, một trong các cửa ngõ giao thương quốc tế, liên kết khu vực nam Phú Yên - bắc Khánh Hòa, nam Khánh Hòa - bắc Ninh Thuận và Khánh Hòa - Tây Nguyên. Huy động nguồn lực hơn nữa để đầu tư cơ sở hạ tầng vùng biển và ven biển, hạ tầng Khu kinh tế Vân Phong, TP. Nha Trang, gắn với khu vực bán đảo Cam Ranh và đường 26, khu vực nam Cam Ranh  gắn với Ninh Thuận - Bình Thuận, gắn với Lâm Đồng và vùng Đông Nam Bộ.

 

Lãnh đạo các tỉnh Nam Trung bộ toạ đàm về vấn đề liên kết vùng để phát triển
Lãnh đạo các tỉnh Nam Trung bộ toạ đàm về vấn đề liên kết vùng để phát triển.

 

Trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên -  nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông cho rằng, để Khánh Hòa thực hiện khát vọng phát triển vươn tầm, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, cần phải đánh giá lại tiềm năng lợi thế liên vùng. Lâu nay, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận có rất nhiều lợi thế, song bao năm nay lợi thế vẫn chỉ là lợi thế và chưa thể phát triển được.

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên

 

Vậy phải làm gì để biến lợi thế thành sự phát triển thưa ông?

 

Hiện lợi thế so sánh chỉ có ý nghĩa khi chúng chuyển hoá được thành lợi thế cạnh tranh. Tại sao khu vực Vân Phong không lấy sân bay Phú Yên làm lợi thế cho mình, ngược lại Vân Phong cũng sẽ là động lực phát triển cho Phú Yên? Nhìn lên phía Tây Nguyên, sân bay Buôn Ma Thuột cũng sẽ là lợi thế cho Khánh Hòa và Vân Phong. Phía Ninh Thuận thì có thể lấy sân bay Cam Ranh của Khánh Hòa để làm lợi thế cho riêng mình. Làm sao phải kết nối tất cả các các lợi thế của các tỉnh lại với nhau, thậm chí là bất lợi thế lại để tạo nên sức mạnh vùng. Nhìn vào các khu vực khác trong cả nước, có lẽ hiếm có địa phương nào có được lợi thế như Khánh Hòa. Phía trước là vùng biển rộng lớn, phía sau lưng chính là cả vùng Tây Nguyên bao la. Nếu cộng hưởng tất cả các thế mạnh này thì không có khu vực nào có thể đọ lại tiềm năng Khánh Hòa và tiểu vùng Nam Trung Bộ này.

 

Ông đánh giá như thế nào về tính hội nhập của Khánh Hòa và các tỉnh lân cận trong quá trình phát triển? 

 

Tính hội nhập của Khánh Hòa và các tỉnh lân cận là khá rõ nét. Điều đầu tiên thể hiện ở lĩnh vực du lịch. Đây là lĩnh vực mà Khánh Hòa đã tiệm cận được đẳng cấp quốc tế. Ngoài ra, cảng biển cũng đang mang lại lợi thế vượt trội cho Khánh Hòa. Cảng ở khu vực này không phải là cảng thông thường mà có thể tiếp cận dưới góc độ cảng trung chuyển quốc tế. Song, nếu tỉnh nào cũng xây dựng cảng mà không đặt trong mối liên kết vùng, lợi thế sẽ bị lu mờ. Chính vì vậy, cảng Vân Phong, Sân bay quốc tế Cam Ranh phải đưa vào định hướng liên kết vùng, tạo nên tính liên kết quốc tế cho cả khu vực. Tuy nhiên, để làm được việc này cần có cơ chế và sự giúp sức từ phía Trung ương. Nếu thực hiện được, Khánh Hòa và các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận chắc chắn sẽ phát triển bùng nổ trong thời gian tới.

 

Cảng biển là lợi thế để Khánh Hòa có cơ hội nhập quốc tế và liên kết vùng mạnh mẽ
Cảng biển là lợi thế để Khánh Hòa có cơ hội nhập quốc tế và liên kết vùng mạnh mẽ.

 

Tạo khác biệt để thực hiện khát vọng

 

Trong khi đó, Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh lại cho rằng, ở Việt Nam từng có khá nhiều ý tưởng, tư tưởng phát triển mạnh mẽ, lớn lao. Từ những năm 90 của thế kỷ trước đã xuất hiện các ý tưởng đột phá về hạ tầng, về cơ chế đặc biệt. Vậy nhưng không phải ý tưởng nào cũng được hiện thực hoá, cũng thành công. Từ đó rút ra 3 bài học cơ bản về sự phát triển đột phá. Đầu tiên, để thành công cần có ý chí chính trị. Ý chí chính trị ở đây thể hiện ở quyết tâm chính trị, đồng lòng chính trị của cả Trung ương lẫn địa phương. Các ý tưởng phải đúng thời điểm, có lộ trình, biết huy động nguồn lực và cuối cùng là tính quyết liệt khi các đề án, nghị quyết được thông qua. 

 

 

Tiến sĩ Võ Trí Thành
Tiến sĩ Võ Trí Thành

 

Vậy với khát vọng phát triển của Khánh Hòa sẽ như thế nào thưa ông?

 

Trong bối cảnh hiện nay, những bài học cũ đối với sự phát triển của Khánh Hòa vẫn còn. Đâu đó sẽ có mẫu thuẫn, khác biệt, thậm chí là xung đột trong nhìn nhận về đột phá phát triển. Do đó, bên cạnh việc hoàn thiện về thể chế, Khánh Hòa cần phải linh hoạt, sáng tạo, giải trình, minh bạch trong quá trình thực hiện dự án để phát triển, vì trong quá trình đó, có những thứ sẽ vượt qua khuôn khổ pháp lý. Nhưng thuận lợi của Khánh Hòa chính là khát vọng phát triển, ý chí chính trị hiện đã được thể chế hoá thông qua các nghị quyết của Trung ương. Tuy nhiên, dù được thể chế hoá nhưng pháp luật cũng không thể phản ánh hết sự vận động của thị trường, của sự phát triển, của khát vọng… do đó quá trình hiện thực hoá Nghị quyết 09, Khánh Hòa cần phải nhìn nhận, đánh giá dưới nhiều chiều kích khách nhau. Tỉnh cần “lăn vào” cùng với Trung ương và liên kết với các tỉnh lân cận trong quá trình thực hiện các chính sách, cơ chế. Bởi các dự án để thực hiện khát vọng phát triển cho Khánh Hòa sẽ có tác động nhất định với các địa phương khác.

 

Ông đã nhắc rất nhiều đến từ “khát vọng”, vậy theo ông phải làm gì để khát vọng của Khánh Hòa trở thành hiện thực?

 

Khát vọng của Khánh Hòa gắn liền với khát vọng của của đất nước; khát vọng này cũng gắn liền với các tỉnh thành lân cận. Để biến khát vọng thành hiện thực, bên cạnh tính quyết liệt, minh bạch, cần phải dám làm và dám quản trị rủi ro. Ngoài ra, cần phải huy động được nguồn lực. Song, như ông Lý Quang Diệu từng nói: “Đừng chỉ nghĩ nguồn lực là cái mình đang có”. Với tỉnh có kết nối như Khánh Hòa, nguồn lực sẽ được thu hút từ các tỉnh thành khác, từ nước ngoài chứ không thể chỉ gói gọn nguồn lực tại địa phương. Bên cạnh đó, dù có rất nhiều lợi thế nhưng để vươn tầm, đột phá được, Khánh Hòa phải tự tạo ra sự khác biệt, sự khác biệt ở đây chính là tốc độ phát triển. Thời gian 5-10 năm trôi qua rất nhanh, vì vậy cần phải phát triển ở tốc độ cao nhất, lấy tốc độ tạo ra sự khác biệt với các địa phương khác. Chỉ có sự khác biệt mới tạo nên một Khánh Hòa phát triển đột phá, vươn tầm quốc tế, xứng đáng với khát vọng phát triển của cả Việt Nam.

 

Ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: "Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, sự quan tâm của các bộ, ngành, tôi tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh sẽ phát huy dân chủ, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế biển, trung tâm du lịch, dịch vụ lớn của cả nước và là thành phố trực thuộc Trung ương, trở thành trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển; tạo nền tảng để Khánh Hòa trở thành đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á, đến năm 2045 là thành phố đáng sống, nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa, hạnh phúc”.

 

 

Đình Lâm

 

 

Kỳ 1: Quyết tâm đặc biệt cho cơ chế đặc thù

Kỳ 2: Thần tốc hành động