07:10, 27/10/2022

Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 27-10, theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận về kinh tế xã hội và ngân sách. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Sáng 27-10, theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận về kinh tế xã hội và ngân sách. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp.
Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Quốc hội dành 2 ngày (27 - 28/10) thảo luận về 3 nội dung. Theo đó, Quốc hội thảo luận Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (trong đó có Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý). Nội dung thảo luận thứ ba là việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 (Nghị quyết số 54) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Các đại biểu cho ý kiến về các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình phục hồi, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động, dịch chuyển lao động từ khu vực công sang khu vực khác; vướng mắc trong mua sắm công, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế…
 
Các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung làm rõ như ổn định của hệ thống tín dụng, thực trạng của thị trường trái phiếu chứng khoán, bất động sản, xu hướng giảm sút thu hút vốn đầu tư nước ngoài; làm rõ căn cứ xác định chỉ tiêu CPI; số bác sĩ, số giường bệnh/vạn dân; nguyên nhân và trách nhiệm trong việc giải ngân vốn đầu tư không đạt yêu cầu; giải pháp để củng cố vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia; các nội dung liên quan đến các vấn đề văn hóa, xã hội, giáo dục, trật tự an toàn xã hội và an ninh quốc phòng.
 
Phát biểu thảo luận về những nội dung này, Đại biểu Lê Hữu Trí - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa nêu một số ý kiến: Một là, cần phải sớm tập trung tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn hiện nay của doanh nghiệp trên các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, để giữ vững đà tăng trưởng, sự phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp nói chung, ít ra là ổn định số doanh nghiệp đã và đang tồn tại, hạn chế thấp nhất số doanh nghiệp phải giải thể hoặc phá sản đang có xu thế gia tăng; nhất là khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận đất đai, vốn... Đây là thành tố quan trọng và chủ yếu giúp ổn định nền kinh tế. Nên chăng cần xem xét nới lỏng tín dụng ở một tỷ lệ phù hợp để vừa cung cấp vốn tín dụng tập trung cho duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh ở các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; đồng thời, kiểm soát được nguy cơ lạm phát. 
 
Đại biểu Lê Hữu Trí - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.
Đại biểu Lê Hữu Trí - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa.
 
Hai là, phải đánh giá kỹ và xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại hiện nay trong đầu tư công. Chính phủ cần sớm tháo gỡ các điểm nghẽn và có các biện pháp quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả hơn nữa để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp... Đồng thời, đổi mới một cách căn cơ công tác đầu tư công ( cả về thể chế và cách vận hành ); tăng cường kỷ luật, kỷ cương và xác định trách nhiệm cá nhân từ khâu xây dựng kế hoạch đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư; phân bổ vốn; tiến độ triển khai và hoàn thành; hiệu quả và chất lượng công trình, dự án; bảo đảm việc sử dụng vốn đầu tư công được công khai, minh bạch, công bằng, phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
 
Ba là, sớm chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý thu chi ngân sách nhà nước từ công tác lập dự toán thu đến việc thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước; sớm khắc phục các tồn tại hiện nay để chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch 2023, nhất là những hạn chế trong lập dự toán thu ngân sách nhà nước nhằm bảo đảm dự toán thu phải sát với thực tế, bảo đảm công tác điều hành tài chính, ngân sách quốc gia đạt hiệu quả. 
 
Bốn là, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra ở hết các cơ sở y tế công, việc BHYT chậm thanh toán kinh phí chi KCB kéo dài, tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế chuyển việc hoặc nghỉ việc có xu hướng gia tăng và khó khăn trong việc thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính ...là những áp lực rất lớn và rất khó khăn đối với các cơ sở y tế công lập đã làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng KCB cho người tham gia BHYT là vấn đề đáng quan ngại hiện nay. Thời gian qua, mặc dù Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã có một số động thái tích cực để tháo gỡ nhưng tình hình vẫn chưa có chuyển biến và chưa khắc phục được những vấn đề trên. Thiết nghĩ, Chính phủ cần sớm có các biện pháp hữu hiệu để ổn định ngành y tế, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho người dân và bảo đảm công bằng cho người tham gia BHYT. Tình tình này kéo dài sẽ có tác động tiêu cực đến việc vận động, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT.
 
Năm là, trong lĩnh vực giáo dục việc thừa thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được khắc phục. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học chưa đầy đủ, đồng bộ. Chất lượng sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn hạn chế. Công tác phát hành sách còn bất cập, gây khó khăn cho phụ huynh học sinh. Mua sách giáo khoa phải kèm theo sách tham khảo gây tốn kém, việc chọn sách giáo khoa thuộc nhiều bộ môn khác nhau buộc phải mua ở nhiều địa chỉ. Tình trạng lạm thu đầu năm học xảy ra ở một số nơi đã gây gánh nặng lớn đối với các gia đình khó khăn và bức xúc trong xã hội. Việc thay đổi thường xuyên hình thức thi tuyển các cấp học, gây nhiều lúng túng cho phụ huynh và học sinh. Giờ vào lớp học của học sinh không hợp lý gây ra nhiều bức xúc. Thiết nghĩ, Chính phủ cần đánh giá một khách khách quan, toàn diện về việc cải cách sách giáo khoa phổ thông; phương thức thi cử các cấp học; giờ giấc học tập; chương trình học cho phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý, phát triển thể lực của từng lứa tuổi học sinh ở từng cấp học; bảo đảm nền giáo dục nước nhà ổn định và theo kịp với những tiến bộ của nền giáo dục các nước tiên tiến.
 
P.V