Đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những nhà lãnh đạo tiền bối, tiêu biểu của Đảng và Nhà nước ta, có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trên nhiều mặt.
Đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những nhà lãnh đạo tiền bối, tiêu biểu của Đảng và Nhà nước ta, có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trên nhiều mặt.
Đồng chí Lê Đức Thọ tên khai sinh là Phan Đình Khải, sinh ngày 10-10-1911 trong một gia đình nho giáo, tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là xã Nam Vân, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định). Đồng chí hoạt động cách mạng từ năm 1926. 17 tuổi, đồng chí đã đứng trong đội ngũ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và vinh dự được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng (tháng 10-1929) khi mới 18 tuổi, thuộc lớp đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng ta. Trong những năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã nhiều lần bị địch bắt, bị kết án, những năm lưu đày, khổ sai khắc nghiệt trong tù đã tôi luyện trong đồng chí ý chí cách mạng bất khuất và lòng kiên trung với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân.
Đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những lãnh đạo có công lao lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã có một số đóng góp tại Hội nghị mở rộng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đêm 9-3-1945 đề ra chủ trương phát động cao trào cách mạng đi tới Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Tháng 8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Tại hội nghị, đồng chí được cử vào Thường vụ Trung ương Đảng, trực tiếp tham gia cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát động và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi; xóa bỏ ách áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến, thực dân; lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Năm 1948, đồng chí được cử thay mặt Trung ương Đảng trong Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ vào miền Nam trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ. Đồng chí được giao trọng trách Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (năm 1949) và sau đó làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam (từ 1949 - 1954). Sau Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954, đồng chí được bổ sung vào Bộ Chính trị (cuối năm 1955), được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (năm 1956). Năm 1967, đồng chí được cử vào Quân ủy Trung ương. Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, đồng chí được Bộ Chính trị cử vào miền Nam làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Từ tháng 5-1968, đồng chí làm cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Pa-ri, trực tiếp đàm phán với Mỹ về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Với bản lĩnh của một nhà chính trị tài ba, bằng tài trí, sự khôn khéo, linh hoạt, sáng tạo trong từng phương án cụ thể, đồng chí đã thực hiện phương châm kiên trì đấu tranh, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng. Đồng chí là người góp phần to lớn vào việc buộc Hoa Kỳ phải ký kết Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trên cương vị là đại diện của Bộ Chính trị chỉ đạo cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa xuân 1975 và tham gia chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí đã góp phần quan trọng, cùng quân và dân cả nước thực hiện trọn vẹn mong ước của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đối với sự nghiệp cách mạng quốc tế, đồng chí Lê Đức Thọ đã có nhiều đóng góp lớn lao trong việc ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng do chế độ Khơ-me Đỏ gây ra.
Công tác tổ chức của Đảng là sự nghiệp hầu như suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ. Trong lao tù ở Côn Đảo, Hòa Bình, hay sau khi ra tù trở về hoạt động ở an toàn khu, khi công tác ở miền Nam, khi tham gia Bộ Chính trị, đồng chí đều được Đảng và Bác Hồ tín nhiệm giao phụ trách công tác tổ chức của Đảng. Trên cương vị ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn dự thảo các văn kiện từ Đại hội III đến Đại hội VI của Đảng. Với nhiệm vụ được giao phụ trách về công tác xây dựng Đảng và công tác tổ chức, đồng chí đã góp phần vào việc phát triển lý luận về xây dựng Đảng của một Đảng cầm quyền, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội…
Với 64 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Lê Đức Thọ đã đem tâm sức, tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta. Tên tuổi và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với những giai đoạn của cách mạng Việt Nam, gắn liền với những thành quả cách mạng vĩ đại của dân tộc. Tấm gương về lòng trung thành, tận tụy với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, tinh thần cách mạng dũng cảm, kiên cường, bất khuất, đức tính cần, kiệm, liêm, chính và tình thương đối với cán bộ của đồng chí Lê Đức Thọ được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta yêu thương và kính trọng. Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng đồng chí Huân chương Sao vàng và nhiều huân chương cao quý khác; Đảng và Nhà nước Liên Xô tặng Huân chương Cách mạng Tháng Mười; Đảng và Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Angco. Đồng chí xứng đáng là “một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, và xứng đáng với những “công trạng to lớn vì Đảng, vì dân” mà Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã tuyên dương.
T.K (Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)