11:08, 10/08/2021

Coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị cấp bách, liên tục, lâu dài

Nhiều năm qua, Đảng bộ tỉnh luôn xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển địa phương. Do đó, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, đúng quy định các chế độ, chính sách. 

. Ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa


- Xin ông đánh giá đôi nét về công tác giảm nghèo của tỉnh trong những năm qua?

 

Ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa
Ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa


- Nhiều năm qua, Đảng bộ tỉnh luôn xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển địa phương. Do đó, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, đúng quy định các chế độ, chính sách. Qua đó, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của các đối tượng yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Mục tiêu giảm nghèo được đưa vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và lồng ghép với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.


Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, tỉnh còn ban hành các chính sách đặc thù để thực hiện công tác giảm nghèo. Những chính sách đó đã giải quyết được các vấn đề thực tiễn đặt ra, giúp các nhóm đối tượng vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, tỉnh còn phân công, chỉ đạo cấp ủy đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia giúp đỡ hộ nghèo, xã khó khăn. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư hoàn thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương; an sinh xã hội được chăm lo, cải thiện; công tác giáo dục, y tế được nâng cao về chất lượng. Các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình sản xuất đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo cải thiện phương thức lao động, tiếp cận khoa học kỹ thuật, nỗ lực vươn lên ổn định cuộc sống. Từ đó, đã làm giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo hàng năm, bộ mặt nông thôn “thay da, đổi thịt”. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã giảm được hơn 17.200 hộ nghèo, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt hơn 1,5%/năm; 6 tháng đầu năm 2021, giảm được gần 400 hộ nghèo. Kết quả trên có ý nghĩa rất lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao của Đảng bộ, toàn dân trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

 

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo vẫn chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều. Một số nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, bãi ngang ven biển. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, nguy cơ tái nghèo khó tránh khỏi.


- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu số hộ nghèo năm 2025 giảm 1/2 so với năm đầu nhiệm kỳ (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025). Để đạt được mục tiêu trên, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần tập trung thực hiện những vấn đề gì, thưa ông?


- Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó đòi hỏi các cấp, ngành thực sự nỗ lực với quyết tâm cao, coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục, lâu dài. Đồng thời, tập trung thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Chỉ thị số 05 ngày 23-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Do đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” đối với người nghèo; động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.


Song song đó,  đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân. Hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động. Đồng thời, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.

 

Việc nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế  giúp tạo động lực  cho hộ nghèo vươn lên.

Việc nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế giúp tạo động lực cho hộ nghèo vươn lên.

 

Bảo đảm sinh kế bền vững và an toàn cho người dân ở vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Quan tâm giải quyết đất sản xuất, đất ở phù hợp, tạo việc làm, bảo đảm các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin và dịch vụ xã hội khác cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tích hợp với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp cho người nghèo; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo. Khuyến khích các doanh nghiệp giúp đỡ các huyện nghèo, xã nghèo; vận động các hộ khá giả về kinh tế giúp đỡ hộ nghèo; xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay về giảm nghèo bền vững.


- Các cấp ủy đảng cần phải làm gì để phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo đối với công tác giảm nghèo, thưa ông?


- Trước tiên, cần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về giảm nghèo đa chiều; tạo sự thống nhất cao trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, nhân dân về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ chương trình giảm nghèo; tuyên truyền để người nghèo, hộ nghèo hiểu rõ nguyên nhân nghèo. Các cấp ủy đảng nên xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, lĩnh vực trọng điểm, đột phá để ra các nghị quyết và kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ trực thuộc, chính quyền tập trung thực hiện.


Bên cạnh đó, cụ thể hóa nghị quyết của cấp ủy về giảm nghèo đa chiều; đề ra các chỉ tiêu, xây dựng kế hoạch, giải quyết việc làm hàng năm; giao nhiệm vụ chỉ tiêu, giảm nghèo, giải quyết việc làm tới từng cấp ủy, chi bộ. Đồng thời, giao trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ hộ nghèo cho cán bộ, đảng viên; chỉ đạo các đoàn thể, tổ chức trên địa bàn, cán bộ, đảng viên có trách nhiệm triển khai, cụ thể hóa biện pháp giảm nghèo trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện giảm nghèo và sử dụng các nguồn lực giảm nghèo. Các cấp ủy đảng chủ động gắn kiểm tra của tổ chức đảng với tự kiểm tra của quần chúng; kiểm tra sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong vận động gia đình, lối xóm tích cực tham gia phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; kiểm tra việc tiếp cận các chính sách, dịch vụ xã hội trợ giúp cho người nghèo vươn lên thoát nghèo…


- Xin cảm ơn ông!


VĂN GIANG (Thực hiện)