Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo (viết tắt là CT 35), chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của tỉnh đã chuyển biến đáng kể.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo - KN-TC (viết tắt là CT 35), chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết KN-TC của tỉnh đã chuyển biến đáng kể.
Kết quả đạt được
Ngay sau khi có CT 35, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức quán triệt trong toàn Đảng bộ. Toàn tỉnh đã tổ chức 631 lớp tập huấn, tuyên truyền về tiếp công dân, giải quyết KN-TC lồng ghép với quán triệt CT 35 cho hơn 19.700 lượt người. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản về tiếp công dân, giải quyết KN-TC, đặc biệt là Quy chế Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý KN-TC, phản ánh, kiến nghị của dân, nhất là phản ánh những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài, đã được các cấp chính quyền giải quyết nhưng người dân chưa đồng tình.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại tòa án; thành lập 7 trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án. Đồng thời, chỉ đạo UBMTTQ Việt Nam các cấp phối hợp với địa phương thành lập 1.003 tổ hòa giải ở cơ sở, tham gia hòa giải thành hơn 85% số vụ tranh chấp, mâu thuẫn. 5 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện 123 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm trong thực hiện các quy định về KN-TC tại 424 đơn vị. Qua đó, kiến nghị chấn chỉnh, xử lý, kiểm điểm rút kinh nghiệm 164 đơn vị, 10 cá nhân. Đội ngũ làm công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết KN-TC được củng cố, kiện toàn. Thường trực Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo tăng cường công tác định hướng về chính trị tư tưởng; nội dung thông tin, tuyên truyền, trong đó có lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết KN-TC...
Những kinh nghiệm
So với cùng kỳ trước đó, 5 năm vừa qua, số lượt công dân đến phản ánh, kiến nghị, KN-TC trên địa bàn tỉnh giảm 9%; số đơn thư KN-TC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước giảm 28%. Kết quả giải quyết đơn khiếu nại đạt 96,5%. Số vụ việc được giải quyết đạt 91,6%. Năm 2018, Khánh Hòa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là một trong những địa phương có tỷ lệ lãnh đạo tiếp công dân và giải quyết đơn thư hiệu quả. |
Được thành lập năm 2007, huyện Cam Lâm được đầu tư khá nhiều dự án. Vì vậy, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phần nào ảnh hưởng đến đa số người dân, dẫn tới lượng đơn thư phát sinh trên địa bàn khá lớn (khoảng 450 đơn/năm). Ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ, công tác tiếp dân, rà soát đơn thư KN-TC được huyện chủ động thực hiện từ cấp huyện đến cấp xã. 5 năm qua, UBND huyện đã tiếp 732 lượt công dân với 501 vụ. Ngoài ra, Chủ tịch UBND huyện còn tiếp nhiều lượt công dân liên quan đến dự án mở rộng Quốc lộ 1 trên địa bàn các xã, thị trấn: Cam Đức, xã Cam Thành Bắc, Suối Tân, Suối Cát, Cam Hải Tây, Cam Tân, Cam Hòa. Nhờ đó, tình hình KN-TC được kiểm soát. Toàn huyện giải quyết được hơn 98,7% đơn. Kinh nghiệm của huyện là tăng cường tiếp dân, đối thoại với dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải thích cho người dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật, đồng thời góp phần củng cố lòng tin của dân với chính quyền. Đối với các vụ việc KN-TC phức tạp, đông người, huyện tập trung phân tích chính xác nguyên nhân; đồng thời xin hỗ trợ của ngành chức năng về chuyên môn để có biện pháp phù hợp. Lãnh đạo huyện cũng yêu cầu lãnh đạo cấp xã nắm chắc tình hình KN-TC trên địa bàn, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc thuộc thẩm quyền.
Là địa bàn phát sinh tương đối nhiều đơn thư liên quan đến bồi thường, giải tỏa và tái định cư, kinh nghiệm của Nha Trang là tăng cường giám sát, củng cố công tác tiếp công dân; đặc biệt phải bố trí cán bộ tiếp dân có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm, phẩm chất, có kỹ năng giải thích, hướng dẫn, thuyết phục, xử lý tình huống để công dân hiểu và chấp hành pháp luật. Ngoài ra, lãnh đạo UBND thành phố và thủ trưởng các đơn vị thực hiện nghiêm việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất; gắn tiếp công dân với giải quyết KN-TC. Khi xảy ra vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, chủ tịch UBND phải trực tiếp gặp, đối thoại với dân, chỉ đạo giải quyết kịp thời, không để phát sinh thành “điểm nóng”...
Tiếp tục thực hiện nghiêm
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện CT 35, các đại biểu cho rằng, tuy kết quả đạt được đáng mừng, nhưng thời gian tới, việc KN-TC trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, nội dung có chiều hướng gay gắt hơn, tập trung chủ yếu về bồi thường, hỗ trợ và giao đất tái định cư do tỉnh đẩy mạnh triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Tại hội nghị, ông Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, bên cạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, triển khai hiệu quả CT 35, người đứng đầu cấp ủy cần thực hiện nghiêm công tác tiếp dân định kỳ, đối thoại trực tiếp với dân. HĐND các cấp đẩy mạnh giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết KN-TC. MTTQ và các đoàn thể nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác tham mưu, ban hành, thực hiện các chính sách; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên - môi trường, đầu tư, xây dựng, chính sách xã hội; thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở; triển khai hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KN-TC trên địa bàn tỉnh. Tòa án nhân dân 2 cấp nâng cao chất lượng hoạt động thí điểm hòa giải, đối thoại tại tòa. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp tăng cường quản lý thông tin, phương tiện truyền thông gắn với tuyên truyền người tốt, việc tốt...
NGUYỄN VŨ