10:08, 19/08/2019

Xây dựng trường "Cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại"

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trường Sĩ quan Không quân luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục đào tạo, nhất là trong công tác đào tạo phi công quân sự. 

Ngày 20-8-1959, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 427 thành lập Trường Huấn luyện hàng không, tiền thân của Trường Sĩ quan Không quân ngày nay. Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Trường Sĩ quan Không quân luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục đào tạo (GD-ĐT), nhất là trong công tác đào tạo phi công quân sự. Nhân dịp 60 năm ngày thành lập trường, Báo Khánh Hòa phỏng vấn Đại tá Ngô Vĩnh Phúc - Hiệu trưởng nhà trường xung quanh vấn đề này.


- Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác GD-ĐT của nhà trường trong những năm qua?

 


- 60 năm qua, nhà trường đã từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ giảng viên đạt chuẩn về học vấn, ngoại ngữ, tin học và sư phạm, đồng thời hoàn thiện các chương trình, quy trình đào tạo và nâng cấp, cải tiến cơ sở vật chất, trang bị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Từ ngày thành lập đến nay, trường đã tổ chức huấn luyện trên 13 loại máy bay. Trong đó, đào tạo, bổ túc, chuyển loại, nâng cao được hơn 100 khóa sĩ quan lái máy bay với hơn 1.000 phi công; đào tạo trên 60 khóa sĩ quan chỉ huy tham mưu, chính trị, kỹ thuật và sĩ quan dù - tìm kiếm cứu nạn với gần 10.000 học viên (HV); đào tạo và chuyển cấp 55 khóa cao đẳng, trung cấp, sơ cấp kỹ thuật hàng không với hơn 5.000 HV. Bên cạnh đó, nhà trường còn đào tạo 47 khóa HV các chuyên ngành không quân cho hai nước bạn Lào, Campuchia và lực lượng không quân - hải quân, đồng thời liên kết đào tạo HV phi công cho Binh đoàn 18 và huấn luyện quân sự cho HV dự khóa bay hàng không dân dụng Việt Nam. Các thế hệ phi công, sĩ quan, nhân viên kỹ thuật hàng không tốt nghiệp ra trường đã và đang công tác ở hầu hết các đơn vị trong và ngoài quân đội. Nhiều người đã trở thành anh hùng, tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp, đảm nhiệm cương vị lãnh đạo, chỉ huy cấp quân chủng, các sư đoàn, trung đoàn không quân, các tổng công ty, công ty ở trong và ngoài quân chủng.


Hiện nay, nhà trường đang có một đội ngũ cán bộ giảng dạy, quản lý giáo dục có phẩm chất, bản lĩnh chính trị vững vàng, được đào tạo cơ bản với 100% trình độ đại học, gần 60% trình độ sau đại học; có 8 tiến sĩ các chuyên ngành. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, công tác, học tập và sinh hoạt của cán bộ, giảng viên, HV không ngừng được đầu tư, củng cố và nâng cấp. Hệ thống chương trình, kế hoạch huấn luyện, giáo trình, tài liệu, bài giảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo đến trình độ đại học cho các đối tượng phi công, sĩ quan dù tìm kiếm cứu nạn và đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật hàng không các chuyên ngành của Việt Nam cũng như HV quốc tế. Hệ thống sân bay, đài, trạm, kho, xưởng, khu học tập của phi công; giảng đường, phòng học chuyên dùng, trung tâm mô phỏng, phòng thí nghiệm, buồng tập, thư viện, nơi ăn ở, sinh hoạt của bộ đội từng bước được đổi mới, nâng cấp, làm cho việc giảng dạy, học tập, sinh hoạt của nhà trường ngày càng chính quy, hiện đại.

 

Giảng viên và học viên giảng bình sau khi bay.

Giảng viên và học viên giảng bình sau khi bay.


Chính vì vậy, chất lượng HV ra trường luôn được bảo đảm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khai thác các loại vũ khí trang bị mới hiện nay. Cùng với đó, năng lực đào tạo của nhà trường cũng tăng nhiều lần so với trước đây. Giờ bay tích lũy của HV phi công, giờ thực hành của HV các chuyên ngành kỹ thuật hàng không tăng 200% so với 5 năm trước. Với những thành tích xuất sắc trong huấn luyện, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, Trường Sĩ quan Không quân, Trung đoàn 910 và 26 cán bộ, giảng viên, HV đã được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.


- Để nâng cao chất lượng huấn luyện, GD-ĐT, nhà trường đã có những định hướng gì trong thời gian tới, thưa ông?


- Trước mắt, nhà trường tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng về công tác GD-ĐT; tiếp tục xây dựng trường “Cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại”, trong đó chú trọng về nâng cao chất lượng GD-ĐT và nghiên cứu khoa học, bảo đảm HV sau khi ra trường đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, khai thác, làm chủ vũ khí, khí tài trang bị ngày càng hiện đại của quân đội và có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống. Cùng với đó, xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ số lượng, hợp lý về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ học vấn, năng lực sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn; thường xuyên trau dồi kiến thức ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Nga, tiếng Anh chuyên ngành kỹ thuật hàng không cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và HV phi công để kịp thời nắm bắt và làm chủ các loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại. Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế để hoàn thành tốt nhiệm vụ GD-ĐT. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy thiết thực, học tích cực, huấn luyện chính quy và bảo đảm an toàn bay vững chắc”. Chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Không ngừng xây dựng, củng cố mối đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, rèn luyện kỷ luật xây dựng chính quy, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.


- Ông có thể cho biết một số giải pháp chính để xây dựng trường “Cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại” và đạt chuẩn “Nhà trường thông minh”?


- Trước yêu cầu xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân tiến thẳng lên hiện đại thì vai trò của công tác đào tạo phi công quân sự và nhân viên kỹ thuật hàng không càng phải được khẳng định rõ nét hơn, đòi hỏi nhà trường phải tích cực đổi mới, cập nhật kịp thời các loại vũ khí trang bị mới, hiện đại mới có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.


Cùng với đó, sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nhà trường phải tập trung hoàn thiện lại quy hoạch, xây dựng trường theo mô hình “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Hiện nay, nhà trường đang được Bộ Quốc phòng chọn là 1 trong 4 trường của quân đội được đầu tư để thực hiện đề án “Xây dựng nhà trường thông minh” với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để đào tạo phi công quân sự, dân sự, sĩ quan dù tìm kiếm cứu nạn, nhân viên chuyên môn kỹ thuật hàng không cho lực lượng không quân, hải quân và hàng không dân dụng. Đồng thời, liên kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học trong cả nước để nghiên cứu, ứng dụng, triển khai các đề tài khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực hàng không quân sự và khoa học về vũ trụ phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Để làm được điều đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của trường chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, tiếp cận các phương pháp GD-ĐT tiên tiến, khoa học, hiện đại. Nghiên cứu, biên soạn giáo trình tài liệu, bổ sung những vấn đề mới của khoa học quân sự hiện đại và thực tiễn tại các đơn vị vào giảng dạy. Tích cực đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa trên cơ sở tiếp cận và ứng dụng hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chủ động đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và từng bước hiện đại hóa năng lực huấn luyện, đào tạo phi công quân sự, nhân viên kỹ thuật hàng không các chuyên ngành của trường. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường đạt chuẩn về ngoại ngữ và tin học. Phấn đấu đến năm 2025, nhà trường có 100% cán bộ có trình độ từ đại học trở lên, 90 - 100% giảng viên có trình độ sau đại học, trong đó có 8 - 12% tiến sĩ.


Ngoài ra, cấp ủy, chỉ huy các cấp phải thường xuyên chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 87 của Quân ủy Trung ương về tiếp tục “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; xây dựng các tổ chức đảng hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đơn vị vững mạnh toàn diện; phối hợp chặt chẽ với chính quyền, nhân dân địa phương thực hiện có hiệu quả công tác dân vận…


- Xin cảm ơn Ông!


Mai Đông - Thế Anh (Thực hiện)
 

 


 

Hình ảnh hoạt động của nhà trường
 
Những năm qua, Trường Sĩ quan Không quân không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo cho các đối tượng phi công, sĩ quan dù tìm kiếm cứu nạn và đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật hàng không các chuyên ngành của Việt Nam cũng như học viên quốc tế. Bên cạnh đó, nhà trường luôn chú trọng đẩy mạnh công tác dân vận trên địa bàn đóng quân, góp phần giúp đỡ nhân dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống, phát triển kinh tế... Dưới đây là một số hoạt động của nhà trường.
 

 

Trung tướng Ngô Minh Tiến - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiểm tra tại Trung tâm Mô phỏng huấn luyện bay và kỹ thuật hàng không của nhà trường.
Trung tướng Ngô Minh Tiến - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiểm tra tại Trung tâm Mô phỏng huấn luyện bay và kỹ thuật hàng không của nhà trường.
 
Hướng dẫn thực hành cho học viên tại Trung tâm Huấn luyện thực hành.
Hướng dẫn thực hành cho học viên tại Trung tâm Huấn luyện thực hành.

 

Giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

 

Mai Đông - Thế Anh