10:08, 18/08/2019

Hiệu quả từ đề tài xây dựng mô hình tự quản về an ninh trật tự

Qua 3 năm ứng dụng kết quả đề tài khoa học "Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng mô hình tự quản về an ninh trật tự trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở Khánh Hòa", công tác xây dựng mô hình, tổ chức tự quản về an ninh trật tự ở Khánh Hòa đã có những chuyển biến tích cực.

Qua 3 năm ứng dụng kết quả đề tài khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng mô hình tự quản về an ninh trật tự (ANTT) trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) ở Khánh Hòa”, công tác xây dựng mô hình, tổ chức tự quản về ANTT ở Khánh Hòa đã có những chuyển biến tích cực.


Quá trình thực hiện đề tài


Mô hình tự quản về ANTT là điều kiện để tập hợp và tổ chức cho quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực ANTT. Xây dựng mô hình, tổ chức tự quản về ANTT đã góp phần đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh. Ở Khánh Hòa cũng đã có một số mô hình hay, hiệu quả như: “Tuần tra nhân dân”, “Cổng rào an ninh”, “Đội Bảo vệ dân phố cơ động”… Tuy nhiên, thời điểm tháng 9-2016 trở về trước, công tác này gặp nhiều khó khăn, bất cập như: Cục Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, Bộ Công an và hệ thống các trường Công an nhân dân đều chưa có lý luận riêng, hoàn chỉnh về xây dựng mô hình. Những vướng mắc của địa phương, đơn vị về căn cứ pháp lý cho việc thành lập, hoạt động của mô hình hay kinh phí hoạt động, chế độ, chính sách của thành viên... Những yếu tố thực tế mà cơ sở cần để áp dụng như: Quy trình, thủ tục, các bước xây dựng mô hình hay hồ sơ mô hình đều chưa được hướng dẫn.

 

Đội tự quản an ninh trật tự xã Khánh Thành.

Đội tự quản an ninh trật tự xã Khánh Thành.

 

Ngay sau khi Giám đốc Công an tỉnh và Hội đồng khoa học Công an tỉnh phê duyệt việc nghiên cứu đề tài khoa học “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng mô hình tự quản về ANTT trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ ở Khánh Hòa”, nhóm thực hiện đề tài khoa học gồm 4 thành viên, do Thượng tá, Thạc sĩ Nguyễn Minh Cường làm chủ nhiệm đã triển khai nghiên cứu từ tháng 5-2015 đến tháng 5-2016. Nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu về mặt lý luận 32 loại tài liệu, để đưa ra khái niệm mô hình tự quản về ANTT. Đặc biệt, đưa ra được các căn cứ pháp lý cho việc xây dựng mô hình, tổ chức tự quản về ANTT. Đây là điểm vướng mắc cơ bản của lãnh đạo UBND cấp xã khi ký quyết định thành lập mô hình, tổ chức tự quản.


Trên cơ sở khảo sát các mô hình, tổ chức tự quản về ANTT tại 137 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố và nghiên cứu, khảo sát một số mô hình, tổ chức tự quản trong các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, nhóm thực hiện đề tài đã đánh giá được căn bản thực trạng công tác xây dựng mô hình, tổ chức tự quản về ANTT ở Khánh Hòa. Cụ thể, toàn tỉnh có 228 mô hình, tổ chức tự quản về ANTT. Trong đó, Nha Trang: 63, Diên Khánh: 17, Ninh Hòa: 50, Vạn Ninh: 16, Cam Lâm: 40, Cam Ranh: 27, Khánh Sơn: 7, Khánh Vĩnh: 2; khối cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường: 5. Nhóm đề tài đã hướng dẫn thanh loại hoặc đưa ra khỏi thống kê mô hình, tổ chức tự quản ANTT hàng chục mô hình, tổ chức không đúng lĩnh vực hay không phát huy hiệu quả. Từ kết quả đó, đã tập hợp, giới thiệu 18 mô hình hay toàn tỉnh để các địa phương, đơn vị học tập. Đồng thời, đưa ra 4 giải pháp chung, 4 giải pháp cụ thể và một số kiến nghị với Bộ Công an, UBND tỉnh về công tác xây dựng mô hình, tổ chức tự quản về ANTT. Trong đó có những giải pháp về thực hiện quy trình, thủ tục, các bước xây dựng mô hình, tổ chức tự quản; hồ sơ, quy chế và các biểu mẫu cơ bản, giúp đơn giản hóa và thống nhất toàn tỉnh.


Kết quả sau 3 năm triển khai ứng dụng


Chỉ 2 tháng sau khi đề tài được nghiệm thu, tháng 9-2016, Giám đốc Công an tỉnh đã ký ban hành kế hoạch ứng dụng thực tiễn kết quả của đề tài trong toàn lực lượng Công an. Phòng PV28 (nay là Phòng PV05) - đơn vị chủ trì đề tài, tiếp tục được phân công chủ trì kế hoạch này. Tháng 9-2016, đơn vị đã hoàn thành “Tài liệu Hướng dẫn công tác xây dựng mô hình, tổ chức tự quản về ANTT trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ ở tỉnh Khánh Hòa” dưới hình thức cẩm nang, giúp cho cán bộ làm công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ ở cơ sở dễ sử dụng.


Dù chưa có một hội nghị, hội thảo nào đánh giá về kết quả ứng dụng đề tài, tuy nhiên kết quả công tác xây dựng mô hình, tổ chức tự quản về ANTT trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ được thể hiện qua báo cáo hàng năm đã cho thấy nhiều giá trị của đề tài. Số lượng và chất lượng các mô hình, tổ chức tự quản về ANTT ở Khánh Hòa được nâng lên rõ rệt. Cụ thể: Năm 2016, toàn tỉnh có 228 mô hình. Trong đó, có 52 mô hình phát huy tác dụng tốt, 97 mô hình phát huy tác dụng khá, 49 mô hình phát huy tác dụng trung bình, 1 mô hình yếu, 29 mô hình xây dựng mới cuối năm 2016, chưa đánh giá. Năm 2017, toàn tỉnh có 232 mô hình, trong đó 68 mô hình phát huy tác dụng tốt, 125 mô hình khá, 19 mô hình phát huy tác dụng trung bình; số mô hình được xây dựng mới là 35 mô hình. Năm 2018, có 264 mô hình, trong đó có 45 mô hình phát huy tác dụng tốt, 137 mô hình phát huy tác dụng khá, 54 mô hình phát huy tác dụng trung bình; số mô hình, tổ chức tự quản xây dựng trong năm là 40. Ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cơ quan, doanh nghiệp đã xuất hiện nhiều mô hình hơn. Đến tháng 4-2019, toàn tỉnh có 27 mô hình ở vùng đồng bào các tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 9 mô hình trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường. Đã xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả được nhiều địa phương áp dụng như: “Camera an ninh”, “Tổ tự quản về ANTT”, “Tổ tuần tra nhân dân”, “Tổ tự quản về ANTT khu nuôi trồng thủy sản”.


Đánh giá về công tác xây dựng mô hình, tổ chức tự quản về ANTT những năm gần đây, Đại tá Nguyễn Khắc Cường - Giám đốc Công an tỉnh khẳng định: “Kể từ khi có “Tài liệu Hướng dẫn công tác xây dựng mô hình, tổ chức tự quản về ANTT” do Phòng PV05, Công an tỉnh tham mưu, biên soạn, Công an các địa phương đều áp dụng ngay vào công tác xây dựng mô hình, tổ chức tự quản về ANTT, tạo được sự thống nhất. Số lượng mô hình, tổ chức tự quản về ANTT tăng đều hàng năm. Hiện nay, 100% các huyện, thị xã, thành phố; 97% xã, phường, thị trấn toàn tỉnh đều có mô hình, tổ chức. Hầu hết các địa phương đều xây dựng được các mô hình, tổ chức có chất lượng, hiệu quả, được nhân rộng”.


Trương Thị Dung