Trước tình hình người chưa thành niên phạm tội như hiện nay, dự thảo đã có những thay đổi bổ sung có liên quan đến việc xử lý hình sự đối với những tội phạm là người chưa thành niên. Đây một trong những vấn đề trọng tâm cần lấy ý kiến nhân dân...
Vấn đề 2: Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên
Trước tình hình người chưa thành niên phạm tội như hiện nay, dự thảo đã có những thay đổi bổ sung có liên quan đến việc xử lý hình sự đối với những tội phạm là người chưa thành niên. Đây một trong những vấn đề trọng tâm cần lấy ý kiến nhân dân...
1. Phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên
Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng”. Dự thảo BLHS (sửa đổi) kế thừa quy định trên nhưng chỉ rõ hơn những tội phạm cụ thể mà người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS. Cụ thể: Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu TNHS về tội giết người, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em, tội cướp tài sản, tội cướp giật tài sản và tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc các lĩnh vực xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; các tội xâm phạm sở hữu; các tội phạm về ma túy và các tội phạm xâm phạm trật tự, an toàn công cộng.
Về vấn đề này, bạn đọc có thể góp ý theo hai loại ý kiến:
- Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với Dự thảo BLHS (sửa đổi) vì: theo quy định hiện hành thì diện các tội phạm mà trẻ em phải chịu TNHS là khá rộng và quan trọng hơn là quy định này không rõ ràng, nên bản thân các em không thể hoặc khó có thể biết được chính xác khi nào thì hành vi bị coi là tội phạm. Điều này dẫn đến công tác phòng ngừa không đạt hiệu quả.
Thực tế cho thấy, số trường hợp trẻ em từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi tự mình thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng là không nhiều và chủ yếu tập trung vào một số tội thuộc nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, các tội xâm phạm sở hữu. Còn lại phần lớn các trường hợp khác các em tham gia thực hiện tội phạm là do bị người lớn xúi giục, lôi kéo, mua chuộc, đe dọa..., bản thân các em không nhận thức được một cách đầy đủ về tính chất, mức độ nguy hiểm của loại tội phạm mà mình đã thực hiện. Ví dụ: các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phạm về kinh tế, môi trường, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người, tội phạm chiến tranh... Vì vậy, việc xử lý hình sự đối với các em trong những trường hợp này có phần quá nghiêm khắc và ít có tác dụng giáo dục, phòng ngừa, giúp các em nhận ra và sửa chữa lỗi lầm của bản thân.
Do đó, Dự thảo BLHS (sửa đổi) cần khoanh lại một số tội mà người chưa thành niên ở độ tuổi này hay thực hiện và quy định rõ những tội danh cụ thể thuộc một số nhóm tội phạm mà người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu TNHS là cần thiết.
- Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành vì nếu quy định như Dự thảo BLHS (sửa đổi) thì dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm.
2. Các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội
BLHS hiện hành không quy định các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội mà chỉ quy định miễn TNHS đối với người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình, cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục.
Dự thảo BLHS (sửa đổi) đã bổ sung các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội cụ thể là: Khiển trách, Hòa giải tại cộng đồng, Giám sát, giáo dục tại gia đình hoặc giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức.
Về vấn đề này, bạn đọc có thể góp ý theo hai loại ý kiến:
- Ý kiến đồng tình với việc bổ sung quy định về biện pháp thay thế xử lý hình sự như trong dự thảo bởi điều này tiếp tục thể hiện chủ trương nhân đạo hóa, tăng tính hướng thiện trong chính sách xử lý hình sự, nhất là đối với đối tượng cần bảo vệ đặc biệt là người chưa thành niên theo hướng hạn chế khả năng đưa người chưa thành niên vào vòng tố tụng. Việc bổ sung các quy định này nhằm khắc phục bất cập của quy định hiện hành, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục tại cộng đồng đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
- Ý kiến thứ hai đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, đồng thời cụ thể hóa các điều kiện để được miễn TNHS đối với người chưa thành niên, giúp các cơ quan tố tụng có cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng để áp dụng trên thực tế.
Lê Minh
Ở phần các tội phạm cụ thể mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự có đưa ra 2 gợi ý, một là quy định 32 tội danh, hai là chỉ quy định 15 tội danh. Tôi đồng ý với ý kiến thứ 2 song nên bổ sung thêm một số tội phạm quan trọng. Ý kiến đề nghị đưa ra 15 tội danh vì đây là vấn đề mới, chỉ nên tập trung xử lý hình sự các hành vi tương đối phổ biến và thật sự gây bức xúc trong nhân dân là đúng song theo tôi, hiện nay, lĩnh vực thị trường cũng là một vấn đề rất nhiều bức xúc, tiềm ẩn nhiều hậu quả xấu cho xã hội nên cần phải có những quy định nghiêm.
Cụ thể trong 15 tội danh này không có các tội về hàng cấm, hàng giả và kinh doanh thực phẩm không an toàn. Theo tôi cần phải bổ sung các tội này vào các tội phạm mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự. Bởi hàng cấm, hàng giả, hàng nhái hiện đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội; có thể làm rối loạn thị trường, làm giảm mức cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến nền sản xuất trong nước. Hậu quả này có thể lớn hơn nếu như hàng giả ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Buôn lậu và các tội phạm liên quan đến sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán hàng cấm, hàng giả có liên hệ mật thiết và có khách thể tương đồng. Trong khi dự thảo quy định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về buôn lậu mà không áp dụng tương tự với các tội phạm có liên quan thì rõ ràng chưa có tính răn đe.
Phạm Quang Hùng
(27A Nguyễn Thị Định, Nha Trang)
----------------------------------------------
Tôi hiện làm việc cho một doanh nghiệp (DN) dịch vụ. Khi xin việc làm, tôi cũng như nhiều người khác chỉ mong có việc làm, thu nhập nên không dám đề cập đến những vấn đề khác. Vì thế, mọi chế độ cho người lao động đều không được DN quan tâm. Đau ốm thì tự đi khám, sinh đẻ cũng tự lo chi phí. Gần đây, một số người bỏ việc nhưng họ không được hưởng chế độ gì. Bây giờ mới biết chúng tôi không được đóng bất kỳ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay bảo hiểm thất nghiệp nào theo quy định pháp luật. Cơ quan chức năng cũng yêu cầu DN truy nộp bảo hiểm xã hội để làm sổ cho chúng tôi nhưng họ dây dưa không đóng. Việc DN vi phạm đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và làm Nhà nước mất đi một khoản thu rất lớn mà không bị xử lý là không công bằng.
Tôi cho rằng, việc Dự thảo BLHS (sửa đổi) đưa nội dung trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân lần này là rất đúng. Có như thế DN mới thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, đồng thời không dám chây ì khi bị áp dụng chế tài xử phạt.
Lê Thị Hồng Nhung
(9/5 Hà Thanh, Nha Trang)